Giá đất huyện Hoài Đức ra sao trước thềm đấu giá 52 lô?

Dương Tâm

(Dân trí) - Hiện giá đất tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã tăng mạnh so với thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng.

Giá đất huyện Hoài Đức đã tăng mạnh

Ngày 4/11 và ngày 11/11, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá 52 lô đất tại xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Các lô đất được mang ra đấu giá có diện tích từ 89m2 đến 172m2/lô, giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2.

Tiền đặt trước khi tham gia đấu giá của 52 lô đất trên là từ 130 triệu đồng đến gần 252 triệu đồng/lô. Cả 2 phiên đấu giá này đều được áp dụng phương thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng.

Vị trí của 52 lô đất này nằm ngay cạnh 19 thửa đất huyện Hoài Đức đấu giá vào ngày 19/8 vừa qua. Phiên đấu giá đất hồi tháng 8 huyện Hoài Đức tổ chức kéo dài tới 19 tiếng, lô đất cao nhất có giá trúng 133 triệu đồng/m2, gấp 18 lần giá khởi điểm.

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, giá đất tại xã Tiền Yên dao động từ 55 triệu đồng đến 70 triệu đồng/m2 đối với những lô đất nằm ở mặt ngõ rộng 4m. Những lô đất tại mặt đường lớn, có thể kinh doanh có giá dao động từ 75 triệu đồng/m2 đến 95 triệu đồng/m2.

Chẳng hạn, một lô đất tại xã Tiền Yên có diện tích 46,4m2 đang được rao bán với giá hơn 3 tỷ đồng, tương đương 66 triệu đồng/m2. Theo người bán, đường trước mặt lô đất rộng 4m.

Tại các xã lân cận như Sơn Đồng, Song Phương, Đắc Sở, Lại Yên, những lô đất nằm trong ngõ ô tô có thể di chuyển giá rao bán dao động từ 55 triệu đồng/m2 đến 75 triệu đồng/m2. Đối với những lô đất nằm ở trục đường chính kinh doanh có giá dao động từ 80 triệu đồng/m2 đến 120 triệu đồng/m2.

Giá đất huyện Hoài Đức ra sao trước thềm đấu giá 52 lô? - 1

Toàn cảnh khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức (Ảnh: Dương Tâm).

Tại dự án Sơn Đồng Center (xã Sơn Đồng, Hoài Đức) giá các căn shophouse đang được rao bán từ 150 triệu đồng/m2 đến gần 230 triệu đồng/m2. Một căn shophouse rộng 79,5m2 đã được xây dựng 4 tầng tại dự án này nằm ở mặt đường 40m, đang được rao bán với giá 18 tỷ đồng, tương đương 226 triệu đồng/m2.

Tại dự án Khu đô thị Vườn Cam (xã Vân Canh, Hoài Đức), giá rao bán đất để xây biệt thự dao động từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm tiền xây dựng). Một lô đất xây biệt thự đơn lập có diện tích 240m2 đang được rao bán với giá 24 tỷ đồng, tương đương 100 triệu đồng/m2.

Theo dữ liệu từ một đơn vị nghiên cứu thị trường, so với quý I/2023 - thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng, đến nay giá đất nền tại huyện Hoài Đức đã tăng 81%, từ mức giá trung bình toàn thị trường là 55 triệu đồng/m2 lên mức 100 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Quý, môi giới bất động sản tại huyện Hoài Đức, cho biết, trước khi phiên đấu giá hồi tháng 8 tại huyện Hoài Đức diễn ra giá đất đã tăng khoảng 20% so với đầu năm. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, giá đất xung quanh tiếp tục tăng nhẹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay giá đất và giao dịch tại đây đã chững lại.

"Giá đất tại một số khu vực huyện Hoài Đức đã tăng cao. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục nghe ngóng mà chưa xuống tiền ngay thời điểm này. Một số người đã đầu tư cách đây khoảng 2 năm hiện đang có xu hướng chốt lãi và chờ thêm tín hiệu từ thị trường", anh nói.

Chuyên gia: Cần mạnh tay với trường hợp trúng đấu giá nhưng "sang tay" ngay

Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, cho rằng, thời gian qua câu chuyện đấu giá đất "nóng" hơn bao giờ hết với các phiên đấu giá được tổ chức xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn người chấp nhận chực chờ để tranh suất. Mức giá trúng của các phiên đấu giá cũng cao kỷ lục, ngang ngửa đất dự án đã được đầu tư hạ tầng bài bản.

Giá đất huyện Hoài Đức ra sao trước thềm đấu giá 52 lô? - 2

Nhiều môi giới rao bán chênh các lô đất của phiên đấu giá ngày 19/8 tại huyện Hoài Đức (Ảnh: Dương Tâm).

Đánh giá về các phiên đấu giá đất vừa qua, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, giá đất tại các phiên đấu giá tiếp tục tăng cao bởi nhu cầu về bất động sản lớn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần các sản phẩm đảm bảo về pháp lý, có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng như đất đấu giá. 

Thực tế, tại các khu vực như Hoài Đức hay Hà Đông, tiềm năng phát triển đô thị cùng với sự phát triển hạ tầng tạo ra kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các sản phẩm có số lượng không nhiều này, dù mức giá ấy có thể vượt xa giá trị thực tế của lô đất.

Ngoài ra, với kỳ vọng rằng đất đai sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai, những người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với định giá thông thường.

Theo ông, một nguyên nhân quan trọng khác khiến mức giá đấu trúng tăng cao là các hành vi trả giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc. Thậm chí, một số người sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích "thổi giá", tạo mặt bằng giá "ảo" để làm căn cứ để đẩy mức giá của các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.

Để đảm bảo quá trình đấu giá giảm thiểu tối đa các trường hợp đầu cơ, thổi giá, ông Đính cho rằng, các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần theo sát từng động thái của các cuộc đấu giá để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu "bất ổn". Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng "sang tay" ngay trong thời gian ngắn.