Dự án tai tiếng Diamond Park: VIDEC muốn đổi tên pháp lý để tránh...hiểu nhầm (!)
(Dân trí) - Tại dự án The Diamond Park, mặc dù có tên xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp nhưng quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đồng ý cho chủ đầu tư làm nhà liền kề, biệt thự...
Rắc rối từ tên dự án
Như Dân trí đã đưa tin, UBND TP Hà Nội mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại huyện Mê Linh, Hà Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn Videc làm chủ đầu tư.
Kết luận thanh tra cho biết, dự án khu nhà ở thu nhập thấp The Diamond Park được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao đất và cho phép đầu tư giai đoạn trước khi điều chỉnh hành chính huyện Mê Linh hợp nhất về Hà Nội (trước ngày 1/8/2008).
Theo UBND TP Hà Nội, quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư chủ yếu diễn ra khi huyện Mê Linh thuộc Vĩnh Phúc. Khi thanh tra, hồ sơ dự án không còn lưu giữ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ sơ lưu tại chủ đầu tư và các sở thuộc UBND TP Hà Nội nhận bàn giao từ Vĩnh Phúc không đầy đủ.
Tuy nhiên qua xem xét hồ sơ, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện sau khi huyện Mê Linh hợp nhất về Hà Nội, quá trình thực hiện dự án còn hạn chế.
Năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chấp thuận giao Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (từ tháng 9/2017 là Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC) thực hiện dự án xây dựng với tên gọi "Khu nhà ở cho người thu nhập thấp".
Mặc dù dự án có tên xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp nhưng quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đồng ý cho Videc làm nhà liền kề, biệt thự.
Đây cũng chính là nguyên nhân một loạt báo điện tử phản ánh về dự án với loạt tiêu đề “phù phép nhà xã hội bán toàn biệt thự”, “hô biến” nhà thu nhập thấp thành biệt thự, liền kề…
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo chí sáng 23/7, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC cho biết, dự án The Diamond Park theo hồ sơ được phê duyệt là dự án khu nhà ở hỗn hợp với quy mô 14,45ha, trong đó chỉ có 1 phần xây dựng nhà ở xã hội (chiếm 29,08% trên tổng diện tích đất ở), còn lại là nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp.
“Tuy nhiên, vì vẫn giữ nguyên tên gọi pháp lý là dự án là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp nên gây hiểu lầm, với những thông tin làm “nóng” truyền thông thời gian vừa qua. Trước vấn đề này, VIDEC Group đã có kiến nghị xin đổi tên dự án về đúng bản chất để tránh suy diễn không nên có”, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Lý giải thêm về tên gọi Dự án “Khu nhà ở cho người thu nhập thấp”, lãnh đạo VIDEC cho biết, thời điểm lập dự án là năm 2008.
Tại thời điểm đó theo quy định, khái niệm “nhà ở cho người thu nhập thấp” xét về bản chất chỉ là cách gọi cho các đối tượng có thu nhập thấp để được xem xét có hay không đáp ứng các điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Như vậy, tại thời điểm VIDEC lập và được phê duyệt Dự án thì pháp luật chưa có quy định về đối tượng “nhà ở cho người thu nhập thấp”, mà chỉ có quy định về “nhà ở thương mại” và “nhà ở xã hội”.
Theo đó, tên gọi Dự án là “Khu nhà ở cho người thu nhập thấp” đơn thuần chỉ nhằm xác định sản phẩm là sản phẩm thương mại giá rẻ để phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình và thấp trên địa bàn do khu vực Mê Linh tại thời điểm đó.
Ngoài ra theo vị này, các dự án xung quanh thời điểm đó cũng có giá bán rẻ (khoảng 2-3 triệu/1m2 đất nhà biệt thự và liền kề chưa chưa tính giá xây thô) nên việc định hướng phân khúc khách hàng là người thu nhập thấp là phù hợp với thị trường.
Thực hư chuyện VIDEC thu lời hàng trăm tỷ đồng từ dự án
Theo kết luận của Thanh tra Hà Nội, việc chủ đầu tư ký 74 hợp đồng huy động vốn thời điểm năm 2010 là chưa đúng quy định; việc chủ đầu tư ký 87 hợp đồng mua bán với các hộ năm 2017, 2018 khi chưa điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư là chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo VIDEC thừa nhận việc chậm trễ trong hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án do có vướng mắc tại địa phương. “Hiện nay, Công ty VIDEC đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vào Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc VIDEC cho biết.
Đáng lưu ý, thời gian qua một số báo chí đưa thông tin, VIDEC Group đã thu lời hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, từ kinh doanh nhà liền kề, biệt thự tại dự án The Diamond Park.
“Điều này chúng tôi khẳng định hoàn toàn không đúng”, ông Dũng phân trần. Thậm chí theo đánh giá của lãnh đạo VIDEC, trước một loạt khó khăn tồn tại, nhiều khả năng công ty sẽ bị lỗ tại dự án này.
Theo ông Dũng, tổng chi phí dự án tính sơ bộ ban đầu 332 tỷ đồng. Dự án bị kéo dài 10 năm (từ 2008 đến 2019) do thay đổi địa giới hành chính. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng 10 năm qua dao động từ 12 – 25%. Bởi vậy, tính cả lãi suất ngân hàng, tổng chi phí dự án The Diamond Park bị tăng lên tối thiểu 200%, xấp xỉ 664 tỷ đồng.
Về doanh thu, nếu bán hết đất liền kề, biệt thự theo đơn giá thị trường hiện tại khoảng 10 triệu đồng/m2, doanh thu chủ đầu tư thu về khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên thị trường Bất động sản Mê Linh tính thanh khoản đang rất kém.
Vì vậy, dự án theo tính toán ước tính đang âm hơn 164 tỷ đồng, trong khi chủ đầu tư còn phải đầu tư hạ tầng xã hội, các tiện ích cho dự án chưa kể các chi phí quản lý điều hành và các chi phí khác trong 10 năm qua, lãnh đạo VIDEC cho biết.
Liên quan đến dự án này, Văn phòng Chính phủ mới đây cũng đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, các Bộ gồm: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc xin ý kiến đối với kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp The Diamond Park tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ, các Bộ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến bằng văn bản về nội dung báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội kết quả thanh tra toàn diện dự án The Diamond Park và gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Nguyễn Mạnh