Doanh nghiệp địa ốc "chật vật" vì những quy định.... chồng chéo

Đại Việt

(Dân trí) - Quy định "chồng chéo" khiến công chức vẫn còn tâm lý sợ rủi ro trong thi hành công vụ dẫn tới việc “đá bóng” lòng vòng. Điều này khiến doanh nghiệp khá "chật vật" khi làm các thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp địa ốc chật vật vì những quy định.... chồng chéo - 1

Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản với chủ đề “Chiến lược đầu tư thời Covid 19”. Ảnh: Đại Việt

Tại Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản với chủ đề “Chiến lược đầu tư thời Covid - 19” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đã gặp vô vàn khó khăn trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 3 - 7/2020. Nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản bởi giá trị thị trường sụt giảm.

Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản vẫn “vấp” phải những quy định, nghị định vô lý trong suốt thời gian dài. Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật là điều vô cùng quan trọng. Bởi, thể chế pháp luật sẽ kiến tạo môi trường kinh doanh và giúp công chức, viên chức Nhà nước yên tâm khi thực thi công vụ.

“TPHCM đang có tình trạng “đá trái bóng” lòng vòng vì công chức, viên chức cảm thấy không yên tâm, không an toàn. Người ta sợ rủi ro. Đây chính là sợ rủi ro trong thi hành công vụ mà nguyên nhân bắt nguồn từ hệ thống pháp luật”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, chính vì những quy định "chồng chéo", không thực tế và rườm rà mà Quốc hội đã thông qua một số luật như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật PPP… Việc này đã giải quyết được tính đồng bộ, tính liên thông của hệ thống pháp luật tốt hơn.

Ông Châu nhận định, mặc dù bị tác động bởi đại dịch nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” ở mức cao. Giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp và thị trường bất động sản cho thuê. Giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản.

Trong khi đó, đa số người dân bị sụt giảm thu nhập dẫn đến giảm khả năng mua nhà. Dịch Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê, bất động sản du lịch, condotel, môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan đến bất động sản.

Theo thống kê, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Nguồn thu từ bất động sản của Ngân sách Nhà nước bị giảm mạnh từ năm 2018 đến nay.

Thế nhưng, ông Lê Hoàng Châu vẫn lạc quan dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, thị trường bất động sản cả nước và TPHCM sẽ tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng trở lại nhờ những tác động tích cực từ việc kiểm soát dịch bệnh và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.

Doanh nghiệp địa ốc chật vật vì những quy định.... chồng chéo - 2

Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sẽ phục hồi trong giai đoạn cuối năm. Ảnh: Đại Việt

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước tại TPHCM - cho biết, đại dịch Covid-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn khiến nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…

“Những khó khăn của thị trường đã phản ánh đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 doanh nghiệp báo lỗ, 35 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận”, ông Năng nói.

Theo ông Năng, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải đối diện khó khăn trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.

Cụ thể, thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành khoảng 45.600 tỷ đồng trái phiếu, tăng 292% so với cùng kỳ, chiếm 29,1% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 81 có hiệu lực thì quy định đã chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điển hình như: Dư nợ trái phiếu sắp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu; khoảng cách giữa 2 đợt phát hành khác nhau ít nhất 6 tháng; mỗi đợt phát hành phải được thực hiện trong vòng 3 tháng… Việc này đã khiến thị trường trái phiếu “hạ nhiệt”.

Doanh nghiệp địa ốc chật vật vì những quy định.... chồng chéo - 3

Bất động sản cho thuê vẫn gặp nhiều khó khăn tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Ngoài ra, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, tâm lý thận trọng của người mua tăng lên, cộng với việc thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường chững lại, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Năng cho rằng, khó khăn của thị trường bất động sản chỉ là ngắn hạn bởi trong dài hạn, nhu cầu mua bất động sản để ở và đầu tư vẫn còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm.

Thêm vào đó là việc đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhờ đầu tư công và việc thành lập thành phố Thủ Đức đang được xúc tiến sẽ góp phần mở rộng và kết nối các khu đô thị mới. Đây sẽ là những cú hích mạnh mẽ hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi. Chính vì vậy, cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư.

“Cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhưng cũng có nhiều cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian qua. Vì thế, các nhà đầu tư cần sàng lọc, “đãi cát tìm vàng”, lựa chọn những cổ phiếu tốt để đầu tư”, ông Năng nhấn mạnh.