Doanh nghiệp bất động sản "vớ bẫm" nhờ bùng nổ nhu cầu nhà ở

(Dân trí) - Trước sự bùng nổ của nhu cầu nhà ở, bất động sản - xây dựng là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngành này chỉ chiếm tỷ trọng doanh thu 7,58% trong VNR500, song mới bằng phân nửa so với ngành ngân hàng.

Bảng xếp hàng VNR500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019) vừa được Vietnam Report công bố ngày 26/11 cho thấy, tất cả các ngành hàng đều có sự tăng trưởng doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu của toàn bộ khối doanh nghiệp là 14,55%.

Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong đó có nhiều ngành đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, cao vượt trội so với mức trung bình của toàn bộ khối doanh nghiệp như ngành ngân hàng – tài chính, ngành vận tải – logistics, ngành xây dựng – bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản vớ bẫm nhờ bùng nổ nhu cầu nhà ở - 1

Bất động sản đang hưởng lợi nhiều nhất từ tăng trưởng kinh tế

Với tỷ trọng doanh thu khoảng 14,59% trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay, năm 2018-2019 được đánh giá là giai đoạn “tăng trưởng theo cách thức mới” của ngành ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2018 thấp hơn so với các năm trước (khoảng trên 30% trong những năm 2000), đạt mức 14%. Tín dụng tăng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên. Vietnam Report cho rằng, lãi suất huy động, tiền gửi tăng hợp lý và tỷ giá biến động không lớn, thể hiện sự chủ động và linh hoạt trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong bảng xếp hạng này, ngành thực phẩm – đồ uống chiếm tỷ trọng doanh thu 7,87% và được đánh giá là một trong những ngành có diễn biến thuận lợi với những bước tiến cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, thực phẩm – đồ uống cũng đang là ngành hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam, ước khoảng 35% mức chi tiêu.

Trong năm 2018, nếu tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng thì doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống đã chiếm khoảng 12,3%.

Theo Vietnam Report, những năm sắp tới, ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam cũng sẽ hòa nhập vào tiến trình hội nhập quốc tế của cả nền kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thực phẩm dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng, thị phần xuất khẩu.

Ngành xây dựng – bất động sản chiếm tỷ trọng doanh thu 7,58%. Đây là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế kéo theo thu nhập người dân được cải thiện đã dẫn đến “sự bùng nổ” về nhu cầu nhà ở những năm qua.

Xét về triển vọng ngành, bất động sản vẫn được giới phân tích đánh giá khá thận trọng trong giai đoạn này và đây là những rủi ro mang tính ngắn hạn. Tuy nhiên, dựa trên bối cảnh là nền kinh tế Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt và sự phát triển của thị trường chứng khoán, ngành bất động sản cũng vẫn có các cơ hội tốt trong việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau nhằm phát triển hệ thống doanh nghiệp.

Chiếm khoảng 1,96% doanh thu toàn bảng xếp hạng năm 2019 là ngành bán lẻ hiện đại. Đây là ngành được Vietnam Report đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm tới.

Tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ đột ngột tăng mạnh trong vài năm trở lại đây với số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tăng vọt theo từng năm, lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước.

Báo cáo của Vietnam Report nhận định, cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng cũng như tính ưa chuộng ngày càng cao với các thương hiệu Việt, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội to lớn để phát triển trong thời gian tới.

Mai Chi