Đô thị hóa phải gắn liền với chuẩn xanh

(Dân trí) - Dưới áp lực của đô thị hóa, nhiều đô thị tại Việt Nam phát triển thiếu đi sự bền vững và khiến cho môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều đô thị thiếu công viên, trường học

Tốc độ đô thị hóa đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt kỷ lục tới 38,4% và dự kiến năm 2020 sẽ là 40%.

Thậm chí, tốc độ mở rộng của Hà Nội là 3,8% và TP. HCM là 4%. Tốc độ này lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng các khu đô thị của các nước khác trong khu vực, trừ Trung Quốc. Nếu cứ tiếp tục gia tăng với tốc độ hiện nay, đến năm 2020 cả hai thành phố sẽ lớn gấp đôi so với năm 2000.

Đô thị hóa phải gắn liền với chuẩn xanh - 1

Đô thị hóa nhanh khiến cho diện mạo đô thị lộn xộn, chất lượng cuộc sống cũng giảm. Ảnh: Trần Văn

Trong Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại diễn ra ngày 26/5 tại Hà Nội, TS Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thẳng thắn cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam  diễn ra nhanh, khiến cho diện mạo đô thị trở nên lộn xộn, làm mất cân bằng hệ sinh thái môi trường, không gian kiến trúc, văn hóa lịch sử...

Nguyên nhân là do chưa tuân thủ quy hoạch tổng thể, một số doanh nghiệp BĐS quá tập trung vào lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội.

Hiện nay nhiều dự án, chủ đầu tư chỉ ra sức xây dựng nhà để bán, làm sao bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền, lợi ích kinh tế lại không đi cùng với kiến tạo giá trị cho cộng đồng.

“Nhiều đô thị trong nước đang thiếu công viên, vườn hoa, cây xanh, thiếu nhu cầu đỗ xe, nơi thu gom, tập kết rác thải, nước thải, môi trường giao lưu văn hóa… Điều này đã khiến môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Đồng quan điểm, PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện Đô thị Xanh Việt Nam cho rằng, quá trình đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị. Đơn cử như TP.HCM, bên cạnh các dự án chung cư cao tầng có thể thấy những xóm nghèo sống tạm bợ ngay trên mặt sông. Điều này khiến đô thị trở nên nhếch nhác.

“Việt Nam cứ nói rằng đang tạo lập, xây dựng, phát triển không gian sống nhưng chúng ta cần cẩn trọng xem xét mình đã làm đúng chưa. Nếu không chính Việt Nam sẽ phá hủy không gian sống của mình”, ông Nguyên nói.

Đô thị hóa phải gắn liền với chuẩn xanh - 2

Việc xây dựng ồ ạt các dự án nhà cao tầng mà không đầu tư hạ tầng đã dẫn đến quá tải. Ảnh: Trần Văn

Đô thị hóa phải gắn liền với “chuẩn” xanh

Để hạn chế các tác động tiêu cực của đô thị hóa, các chuyên gia cho rằng, cần nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của việc quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, trong đó phải có quy hoạch đô thị theo hướng không gian xanh để phục vụ lợi ích của người dân.

Đô thị hóa phải gắn liền với chuẩn xanh - 3

Theo các chuyên gia đô thị hóa phải gắn với phát triển bền vững, hướng đến xây dựng các đô thị xanh.

Trong vài năm gần đây, phát triển đô thị “xanh”, đô thị thông minh, được đề cập rất nhiều trong các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có bộ quy tắc chung về đô thị “chuẩn” xanh, nên nhiều quan điểm vẫn lầm tưởng đô thị xanh chỉ cần là đô thị có nhiều cây.

Theo ông Đỗ Việt Chiến, thực tế, một đô thị được coi là “chuẩn” xanh, cần nhiều yếu tố, trong đó cây xanh chỉ là một phần.

Đô thị xanh phải kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường quản trị, vận hành xanh và cuối cùng là đảm bảo yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị.

Đô thị hóa phải gắn liền với chuẩn xanh - 4

Đô thị hóa phải gắn với chuẩn xanh để phát triển bền vững. Trong ảnh là khu đô thị Ecopark - Khu đô thị dành diện tích tới 110 ha cho quy hoạch cây xanh mặt nước.

Về mặt lợi ích, các đô thị “chuẩn” xanh sẽ giúp cải thiện môi trường sống của người dân và hạn chế các tác động xấu của thiên nhiên môi trường, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, thiên nhiên. Nếu xây dựng thành công các đô thị xanh sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí năng lượng,...

Tổng thư ký Hiệp hội BĐS cũng cho rằng, thực tế hiện nay tư duy kinh doanh BĐS của một số doanh nghiệp đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Thay vì chạy đua với lợi nhuận, một số doanh nghiệp như Ecopark đã gửi nhiều thông điệp về sống xanh, sống thông minh, sống nhân văn đã dần thay đổi nhận thức của rất nhiều người.

Tuy nhiên, nếu chỉ là nỗ lực của một vài doanh nghiệp sẽ không thể tạo ra một đô thị bền vững.

“Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của công trình xanh thì càng nhiều dự án xanh được ra đời. Một đô thị nhiều công trình xanh, đô thị đó sẽ tốt lên. Đó không phải là câu chuyện muốn hay thích nữa, mà đó là trách nhiệm của tất cả những kiến trúc sư, những nhà khoa học, nhà quản lý phát triển đô thị và cả những doanh nghiệp phát triển dự án đô thị”, ông Chiến nhìn nhận.

Đô thị hóa phải gắn liền với chuẩn xanh - 5

Đẩy mạnh đô thị hóa nhưng phải chú ý nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cũng cho rằng việc thiết kế kiến trúc và tạo lập không gian sống chất lượng là nền tảng để tạo ra những đô thị phát triển trong tương lai.

“Đô thị hoá không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: Môi trường, kinh tế và xã hội”, vị KTS nhấn mạnh.

Để làm được điều này, các chuyên gia về đô thị kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ ban, ngành có liên quan cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa cho sự nỗ lực của các công trình xanh. 

Việt Vũ