Địa ốc tuần qua: "Nóng" tranh luận về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

(Dân trí) - Những tranh luận gay gắt liên quan đến ý tưởng "xứ Đông Dương" của dự án cầu Trần Hưng Đạo 8.900 tỷ đồng là thông tin nổi bật tuần qua, bên cạnh sự thực chuyện rộ sóng rao bán farmstay nghỉ dưỡng.

Cầu Trần Hưng Đạo nghìn tỷ ở Hà Nội: Tranh luận gắt về kiến trúc

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Tuy nhiên ngay khi thông tin này được công bố, không ít ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia, kiến trúc sư đã nổ ra. 

Trao với Dân trí, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết cầu cứng nhưng lại được thiết kế các trụ tháp như kiểu cầu dây văng với rất nhiều chi tiết hoài cổ rối rắm. "Bản thân là một kiến trúc sư, một chuyên gia độc lập, tôi không ủng hộ phương án kiến trúc cầu này. Và đã đến lúc Hội đồng tuyển chọn cũng cần lên tiếng vì sao lại chọn phương án xứ Đông Dương trên", ông Tùng nhấn mạnh. 

Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - đặt vấn đề: Phương án xây cầu này hướng tới hiện đại, tương lai hay quay về quá khứ? Nếu hướng tới tương lai thì lại thấp thế. Có thể coi đây là do tư vấn thiết kế chưa tính hết chăng? Câu hỏi thứ hai ông Ánh đặt ra, đó là về yếu tố thẩm mỹ của kiến trúc cây cầu. Cách thiết kế theo ông Ánh nhận xét, tạo cảm giác "chắp vá", giả cổ. Trong khi đó, cầu Trần Hưng Đạo lại là một dự án có quy mô lớn, có tác động tới kiến trúc cảnh quan trung tâm…

Địa ốc tuần qua: Nóng tranh luận về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo  - 1

Dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Chuyện dân đầu tư địa ốc: Không nhớ có bao nhiêu đất, chở tiền bằng ô tô

Mới đây, một YouTuber nổi tiếng với hơn 9 triệu lượt theo dõi tên T.N đã khiến cư dân mạng trầm trồ khi khoe sở hữu khối bất động sản "khủng".

Độ giàu có càng được thán phục khi chị này chia sẻ mình "không biết có bao nhiêu đất ở đây, mua xong còn chưa đi thăm hết đất, còn chưa cầm sổ luôn". Chỉ riêng khối bất động sản của chị T.N này đang rao bán đã lên tới 16 tỷ đồng, dù được khẳng định "rất rẻ so với thị trường". Nếu lô đất này bán được, chị sẽ gửi 1% giá trị lô đất (tương đương 160 triệu đồng) tới người giới thiệu, môi giới.

Không chỉ có lô đất ở quê hàng chục tỷ đồng, chị này còn tiết lộ có hàng chục sổ đỏ, bao gồm cả bất động sản ở thành phố.

Sau nhiều năm làm nghề, anh Toản - lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới địa ốc chia sẻ với Dân trí, có những trường hợp mang cả bao tiền, 4-5 người hộ tống đi và di chuyển một quãng đường dài đến mua nhà. Thậm chí, trước có trường hợp mua một căn biệt thự ở Trung Yên (Hà Nội ) giá mấy chục tỷ đồng còn phải dùng xe bán tải đi chở… tiền.

Địa ốc tuần qua: Nóng tranh luận về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo  - 2

Khá thú vị, một chủ doanh nghiệp môi giới bất động sản cho biết, có những trường hợp mang cả bao tiền lớn, 4-5 người hộ tống đi mua nhà (Ảnh: N.M).

Chung cư mini được rao bán từ năm 2018 không ai mua, hàng tồn cả trăm căn

Rao bán căn chung cư mini có diện tích 33 m2 nhiều năm nhưng đến nay anh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa tìm được khách. Do giấy tờ của căn hộ chỉ dưới dạng sổ chung đồng sở hữu nên khách tới xem xong đều bỏ về không liên lạc lại.

Loay hoay nhiều năm không bán được, anh Hòa đành phải cho thuê với giá 4 triệu đồng/tháng. Nhưng nửa năm qua, căn chung cư mini của anh vẫn bỏ không do sinh viên trả nhà.

Không ít chủ sở hữu chung cư mini cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự anh Hòa. Thậm chí, tại công ty môi giới nơi anh Nguyễn Anh (Đống Đa, Hà Nội) làm việc, số căn chung cư mini còn tồn hàng lên tới hơn 100 căn.

Đáng chú ý, theo anh Nguyễn Anh, khoảng 20 - 30 căn chung cư mini được rao bán từ năm 2018 tới nay vẫn chưa có người mua. Trong khoảng hơn 2 năm qua, cả công ty không ghi nhận căn chung cư mini nào được bán thành công.

Địa ốc tuần qua: Nóng tranh luận về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo  - 3

Rao bán nhiều năm, chủ sở hữu chung cư mini vẫn không tìm được khách.

 Thị trường địa ốc Hà Nội, TPHCM lao dốc, lượt quan tâm tăng ở 4 nơi khác

Trong báo cáo vừa công bố của một đơn vị chuyên đăng tin bất động sản, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng. Theo đó, lượng tin đăng và mức độ quan tâm bất động sản đều có sự sụt giảm mạnh so với tháng 7. 

Cụ thể, lượng tin đăng toàn trang trong tháng 8 giảm 58%, lượt quan tâm giảm 27% so với tháng trước. Mức giảm mạnh nhất tại các tỉnh, thành phố có ca nhiễm tăng cao như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội. Trong đó, tại Hà Nội và TPHCM, mức độ quan tâm bất động sản giảm lần lượt 36% và 17% so với tháng trước. 

Tuy nhiên, theo đơn vị nghiên cứu, thị trường lại ghi nhận số điểm sáng tại một số tỉnh khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh với mức độ quan tâm tăng lần lượt 26%, 8% và 7%. Tại khu vực miền Nam có tỉnh Lâm Đồng.

Sự thực chuyện rộ sóng rao bán farmstay nghỉ dưỡng, có nơi lỗ chục tỷ đồng

Gần đây trên các diễn đàn, các trang rao bán bất động sản xuất hiện nhiều hơn thông tin farmstay, homestay bán cắt lỗ. Về mức giảm, có bên đưa ra mức lỗ vài chục tỷ đồng.

Một khu nghỉ dưỡng sinh thái ngoại ô khác rộng 3 ha ở Sơn Tây (Hà Nội) cũng đang được rao bán với giá cắt lỗ là 85 tỷ đồng. Theo lời rao, khu đất đã xây dựng nhiều hạng mục như bãi để xe, 2 bể bơi mỗi bể 600 m cùng hơn 30 phòng nghỉ theo kiểu nhà vườn, khu nhà hàng, phòng hội thảo phòng họp, khu vui chơi giải trí ngoài trời, hồ câu cá, khu vui chơi giải trí. Môi giới cho biết, chủ đầu tư đã đầu tư hết hơn 100 tỷ đồng nhưng nay cần tiền nên bán gấp với giá sang nhượng 85 tỷ đồng.

Địa ốc tuần qua: Nóng tranh luận về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo  - 4

Thị trường bất động sản từng nở rộ mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) với nhiều hình thức mới (Ảnh: Dân Việt).

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty CP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô - cũng cho rằng: "Rất khó để gọi nhiều trường hợp là cắt lỗ, bởi không thẩm định được giá họ mua vào là bao nhiêu".

Ông Trung kể, vừa qua có một chủ nhà trên Ba Vì rao bán khu đất rộng 3.000 m2, xây sẵn biệt thự với giá 30 tỷ đồng. "Với mức giá đó thì tôi thấy không hề lỗ. Nhiều lô mua ngày trước rất rẻ, chỉ có vài trăm nghìn đồng/m2, bây giờ bán giá vài triệu đồng. Giá rao trong thời điểm hiện nay có thể thấp hơn thị trường song tôi thấy nếu là lỗ thì chưa hẳn", ông Trung chia sẻ với Dân trí.