Đếm ngược 525 ngày thông tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
(Dân trí) - Ngày 3/10, tại Cao Bằng, Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tổ chức lễ phát động phong trào thi đua 525 ngày đêm thông tuyến dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, hướng tới chào mừng 525 năm thành lập tỉnh Cao Bằng.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: "Khi hoàn thành, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ là tuyến đường kiểu mẫu, mang đậm bản sắc văn hóa Đông Bắc, không những thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn đóng góp vào bảo tồn giá trị văn hóa địa phương".
Hướng tới kỷ niệm 525 năm thành lập tỉnh Cao Bằng, với mục tiêu tạo ra khí thế thi đua, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tuân thủ chỉ đạo "Vượt nắng thắng mưa" của Thủ tướng, Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các nhà thầu đã thể hiện quyết tâm thông tuyến dự án trong 525 ngày đêm.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, từ nay đến tháng 5/2025 là thời điểm then chốt bản lề để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Đại diện doanh nghiệp dự án khẳng định để phong trào thi đua 525 ngày đêm thông tuyến về đích đúng kỳ vọng, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
"Cần xác lập mối quan hệ gắn kết trách nhiệm giữa cơ quan có thẩm quyền, chính quyền cơ sở và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu thi công nhằm tạo nên sự đồng thuận cao từ việc phát động, chỉ đạo đến việc tổ chức thực hiện phong trào", ông Vĩnh chỉ ra.
Đại diện đơn vị tổng thầu thi công, ông Phạm Duy Hiếu - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cam kết bám sát kế hoạch thi công chi tiết, đảm bảo tiến độ thông tuyến sau 525 ngày đêm, đồng thời bảo đảm chất lượng và an toàn lao động tuyệt đối.
"Chúng tôi hiểu rằng sự thành công của dự án không chỉ dựa vào năng lực thi công mà còn phụ thuộc vào sự ủng hộ và đồng hành của chính quyền và người dân Cao Bằng", ông Phạm Duy Hiếu nói.
Ngay sau lễ phát động, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đã dẫn đoàn công tác tỉnh đi kiểm tra thực địa, nghe báo cáo, nắm tình hình công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và triển khai các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án, tình hình thi công tuyến đường cao tốc trên địa bàn hai huyện Thạch An và Quảng Hòa.
Chứng kiến không khí thi công sôi nổi, ông Trần Hồng Minh đánh giá cao doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã nỗ lực làm việc, khắc phục các khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian qua.
Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lớn, các đơn vị liên quan phải tranh thủ thời tiết nắng ráo từ giờ tới cuối năm nhằm nỗ lực thực hiện dự án bám sát tiến độ đề ra.
Về công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và tái định cư cho người dân, ông Trần Hồng Minh yêu cầu chính quyền hai huyện Thạch An và Quảng Hòa tích cực đẩy mạnh trên cơ sở trách nhiệm và minh bạch, doanh nghiệp dự án cần khẩn trương phối hợp với chính quyền cơ sở trên tinh thần "lấy công việc làm trọng", "làm đến đâu, gọn tới đó".
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng hy vọng lễ phát động phong trào thi đua 525 ngày đêm sẽ tạo ra không khí hăng say cho các đơn vị nhà thầu để sớm hoàn thành thông tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đúng kế hoạch.
"Với dự án đường cao tốc sắp hoàn thiện trong hơn 500 ngày tới, tôi tin rằng bức tranh kinh tế - xã hội của Cao Bằng khởi sắc hơn", ông Trần Hồng Minh chia sẻ.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài hơn 93km, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng. Điểm đầu của tuyến tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đứng đầu liên danh thực hiện dự án.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ, tạo đòn bẩy đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, với Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước và quốc tế.