Đề nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

(Dân trí) - Trong quý I/2020, hoạt động trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất khi đạt 20.474 tỷ đồng, chiếm 55% với lãi suất bình quân 10,8%/năm, tương đương lãi suất vay ngân hàng.

Năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong đó, có 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% (tương đương lãi suất vay ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.

Quý I/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất đạt 20.474 tỷ đồng, chiếm 55%, lãi suất bình quân 10,8%/năm, tương đương lãi suất vay ngân hàng.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Hiện nay trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế. Trong đó có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) rất cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163 để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.

“Cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do đại dịch Covid -19 hiện nay, Hiệp hội đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay.

Đề nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản - 1
Đề nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Đối với vấn đề nhà ở xã hội, HoREA hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong đó, 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank để hỗ trợ cho vay.

Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị phát triển nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội, để tạo cú huých phát triển và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…

Một vấn đề khác là hỗ trợ tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên cho giới trẻ. Hiện nay, giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp đang có xu thế sống tự lập, có nhu cầu tạo lập “căn hộ nhỏ”.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, cứ sau mỗi 10 năm thì đa phần giới trẻ có thu nhập tăng lên khoảng gấp đôi. Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro. Nhiều nước trên thế giới cho giới trẻ vay tín dụng theo phương thức tín chấp để mua nhà, để đóng học phí…

Việc giới trẻ có nhà riêng sẽ còn kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển. Từ “căn hộ nhỏ” ban đầu, sẽ chuyển đổi qua các căn nhà lớn hơn trong vòng đời, trong quá trình thu nhập tăng thêm.

Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành chính sách “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp, để mua nhà.

Quế Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm