1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Đại dịch Covid-19: Bất động sản chật vật, nhà ở ế ẩm, giá cả "lao dốc"

(Dân trí) - Covid-19 đã tạo ra những mảng tối cho nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng đang chật vật đối với toàn bộ các phân khúc bất động sản...

Đại diện CBRE vừa đưa ra những nhận định khá toàn diện về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các phân khúc trong lĩnh vực bất động sản.

Theo CBRE, Covid-19 đã tạo ra những mảng tối cho nền kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2020, trong đó có Việt Nam.

“Một số khách thuê văn phòng đã hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng, các cửa hàng bán lẻ đang chịu áp lực từ việc sụt giảm đáng kể lượng khách mua sắm, các khách sạn đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu vắng khách và những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, kho vận đang chật vật với các đơn hàng…” - CBRE đưa ra nhận định chung toàn cảnh.

Bất động sản bán lẻ bước vào thời kỳ “sale off”

Theo CBRE, tại Việt Nam, doanh thu của các cửa hàng ăn uống và giải trí chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các đơn vị bán lẻ đang chờ đợi đánh giá tình hình dịch bệnh, nên các yêu cầu thuê mới cũng giảm đáng kể.

Điều này cũng là một thách thức lớn cho các dự án trung tâm thương mại mới trong việc tìm kiếm những khách thuê đầu tiên khi nhiều khách thuê quyết định hoãn kinh doanh chờ qua dịch.

Đại dịch Covid-19: Bất động sản chật vật, nhà ở ế ẩm, giá cả lao dốc - 1

Sức mua bất động sản chỉ có thể cải thiện một khi dịch bệnh được ngăn chặn và làn sóng đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường. Ảnh: N.Mạnh.

Một số khách thuê tại các trung tâm thương mại đang cố gắng thuyết phục chủ nhà cắt giảm giá thuê xuống 50% hoặc miễn phí tiền thuê trong giai đoạn cao trào của dịch.

Bất động sản du lịch, khách sạn hứng đòn mạnh

Số khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nguồn khách chủ yếu của thị trường du lịch Việt Nam (chiếm đến 56% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2019) đang giảm đi đáng kể do việc hạn chế các chuyến bay đến từ vùng dịch. Khách du lịch nội địa cũng tạm hoãn lại các kế hoạch du lịch (trong nước lẫn nước ngoài) của họ.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, thị trường Nha Trang ghi nhận sự sụt giảm 75% khách du lịch quốc tế và 82% khách du lịch nội địa trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm trước. Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam dự đoán mức thất thoát doanh thu du lịch có thể từ 7 đến 15 tỷ USD.

Cục hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không trong nước ghi nhận tổng thiệt hại doanh thu lên đến 10.000 tỷ đồng (tương đương với 430,5 triệu USD) từ việc hủy hơn 400 chuyến bay kết nối Việt Nam - Trung Quốc mỗi tuần.

Thị trường khách sạn, du lịch Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn trong quý 1/2020. Một vài khách sạn cao cấp tại TP HCM ghi nhận tỷ lệ lấp đầy sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 30-40% trong tháng 2/2020 mặc dù đây được xem là mùa cao điểm của thị trường khách sạn tại thành phố sôi động này.

CBRE dự đoán nhu cầu du lịch sẽ dần hồi phục vào quý III/2020 trong trường hợp dịch bệnh được khống chế vào quý II/2020 và kỳ vọng thị trường này sẽ tăng trưởng trở lại vào quý IV/2020.

Khu công nghiệp, kho vận chật vật

Đại diện CBRE cho rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra khi nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào từ Trung Quốc chiếm đến 35% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của Việt Nam.

Sự bùng phát của dịch bệnh cũng đồng thời gây ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp khi thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu từ các khách thuê Trung Quốc.

Trước đó, số lượng đơn yêu cầu thuê cũng đã bắt đầu giảm mạnh, nhất là sau sự kiện Mỹ và Trung Quốc ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn đầu và Việt Nam tăng cường thắt chặt hơn về khai xuất xứ hàng hoá để hưởng ưu đãi thuế quan.

Phân khúc nhà ở ế ẩm 

Theo đại diện CBRE, các chủ đầu tư cũng như công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát. Một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng một lúc, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong nửa cuối năm nay.

Các nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Cho đến nay, thị trường văn phòng tạm thời chưa chịu ảnh hưởng đáng kể từ Covid-19 tuy nhiên nếu tình hình kéo dài, các công ty sẽ có thể xem xét lại ý định dịch chuyển và mở rộng văn phòng. Sức mua chỉ có thể cải thiện một khi dịch bệnh được ngăn chặn và làn sóng đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường.

Nguyễn Mạnh