Đại biểu Quốc hội: "Nhiều tỷ phú ôm đất vàng, đất kim cương chờ thời"

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra rằng, điều đáng suy ngẫm nhiều tỷ phú về đất ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị đồng thời thâu tóm hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều tỷ phú ôm đất vàng, đất kim cương chờ thời - 1

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai).

Tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát trong quản lý, sử dụng đất ở đô thị (2013-2018) ngày 27/5, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chỉ ra rằng, chất lượng quy hoạch đô thị hiện còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch.

Thậm chí, làm nát quy hoạch ban đầu, được minh chứng, đó là tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, lại tự tiện điều chỉnh của bộ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khá phổ biến gây ra hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực, thậm chí rất tiêu cực cho các quy hoạch khác.

"Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác. Từ bất cập, hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống diễn ra hàng ngày", ông nói.

Đại biểu tỉnh Gia Lai bày tỏ, cử tri kỳ vọng các trụ sở cũ, cả các cơ quan đã di rời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, các công trình công cộng, tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó trơ trơ như thách thức cùng dư luận.

Theo đó, ông đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lý trong quy hoạch đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng căn bệnh trên.

Đáng lưu ý, theo ông Vượt, cử tri mong muốn, ủng hộ tri ân các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã và đang phát huy lợi thế đất đai, làm giàu cho đất nước.

"Song, điều đáng suy ngẫm nhiều tỷ phú về đất ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị đồng thời thâu tóm hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời, các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất giá trị từ đất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, không được tính vào giá trị doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.

Theo đại biểu, việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát thậm chí liều không tuân thủ pháp luật, cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất.

Đồng thời, lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín.

"Cũng chính vì tồn tại phức tạp trên tạo ra khiếu kiện phức tạp tiềm ẩn, bất ổn an ninh trật tự được minh chứng bằng nhiều vụ án liên quan đã xét xử, các kết luận xử lý của Ủy ban kiểm tra Trung ương. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải kịp thời bịt lỗ hổng này như kiến nghị của đoàn giám sát, đó là thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm", ông nói thêm.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng cho rằng, thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này. Từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8b Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hay việc xà xẻo các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn.

"Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân", đại biểu Nhân nói.

Đại biểu Nhân cho rằng, dù được xác định là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai thời gian qua ở nhiều nơi được nhận định còn tùy tiện, nhiều sai sót, lãng phí và không hiệu quả.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đề cập tới lợi ích nhóm trong cho thuê đất không qua đấu giá công khai. Theo đại biểu, một phần lớn địa tô đang nằm ngoài ngân sách. Việc bàn giao đất trên thực địa tại địa phương khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất... là vi phạm nghiêm trọng.

"Thực tế 5 năm qua, hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hecta đất bị thu hồi và nhiều cán bộ bị xử lý. Cùng địa phương, cùng thời điểm nhưng lại chọn cách xác định giá đất khác nhau với mỗi chủ đầu tư. Ngoài ra, có biểu hiện ưu ái sân sau của người có thẩm quyền và thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý", ông Diến nói.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan tới quy hoạch. Cùng đó, hàng năm Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các nội dung liên quan tới quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở đô thị.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Giải pháp xử lý khắc phục cần được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019.

Phương Dung