Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý vụ "hô biến" 6.000m2 đất vàng tại TPHCM
(Dân trí) - Dân trí cũng như nhiều cơ quan báo chí đã có bài phản ánh về những bất thường trong vụ "phù phép" hơn 6.000m2 đất công sản thành đất tư nhân ngay trung tâm TPHCM. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các Bộ, UBND TPHCM vào cuộc.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng vừa ký văn bản số 89/VPCP-V.I gửi Thanh tra Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về thông tin phản ánh của báo chí.
Theo đó, trong thời gian qua, một số báo có thông tin, phản ánh sai phạm và khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao 4 cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin, phản ánh của báo chí.
Cụ thể, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và UBND TPHCM kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm và khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án trên.
Đồng thời, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2019.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao 4 cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin, phản ánh của báo chí.
Như Dân trí đã thông tin, trước đây, khu đất tại số 34 – 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1 có tổng diện tích hơn 6.200m2 là khu tập thể cán bộ công nhân viên của Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Sau đó, Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (viết tắt Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.
Thế nhưng gần 10 năm qua, dự án này vẫn “án binh bất động” trên giấy, vì chưa hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo các người dân, mặc dù đất đắt giá nằm ngay trung tâm TPHCM nhưng chủ đầu tư đưa ra giá đền bù rẻ mạt. Theo đó, giá đền bù 125 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường khu vực này trên dưới 300 triệu đồng/m2 nên người dân không đồng ý.
Không thỏa thuận được với người dân, ngày 13/11/2108, Công ty Việt Hân Sài Gòn cho người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai gây náo loạn.
Việc tranh chấp các bên ngày càng quyết liệt. Phía công ty Việt Hân Sài Gòn đề nghị chính quyền địa phương giúp lực lượng giữ an ninh trật tự để khoan địa chất dự án và làm lại bức tường rào bao quanh vì sợ… ảnh hưởng tính mạng dân do mưa bão làm yếu nền.
Trước những hành động trên của chủ đầu tư, các hộ dân đã gửi kiến nghị tới chính quyền cho rằng họ không cần ai lo cho tính mạng mình và phản đối việc làm của chủ đầu tư…
Tại khu "đất vàng" hơn 6.000m2 này, không chỉ chủ đầu tư và người dân chưa có "tiếng nói chung" mà các cơ quan chức năng cũng đã kết luận Vinafood 2 đã cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Theo kết luận thanh tra số 5278, trong quá trình sắp xếp chuyển đổi nhà đất công, Vinafood 2 đã chỉ định và góp vốn (20% chủ yếu quyền sử dụng đất và tài sản trên đất) cùng Công ty Việt Hân (80%) lập ra Công ty Việt Hân Sài Gòn để làm dự án thương mại.
Tổng Giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Hân về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất nói trên. Tuy nhiên, việc thực hiện đền bù đó là sai với nội dung Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tổng Công ty của Bộ NNPTNT và trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1647/TTg-KTN ngày 15/9/2015.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi còn phát hiện hiện nay khu đất vàng rộng 6.274 m2 của dự án đã thuộc về tay các công ty tư nhân khác
Đáng nói, Hội đồng thành viên Vinafood 2 ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV ngày 22/10/2015 đã chuyển trách nhiệm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ Công ty Việt Hân sang Vianafood 2 chịu 100% là sai phạm...
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi còn phát hiện hiện nay khu đất vàng rộng 6.274 m2 của dự án đã thuộc về tay các công ty tư nhân khác. Hai thành viên ban đầu là Vinafood 2 và Việt Hân chỉ còn là chủ đầu tư trên danh nghĩa?!
Tài liệu thu thập được cho thấy, ngày 23/11/2015, liên doanh Công ty Việt Hân Sài Gòn ra đời với 20% vốn góp của Vinafood 2 tương đương 160 tỷ đồng và Việt Hân 80%, tương đương 640 tỷ đồng. Hơn hai tháng sau, tức ngày 29/1/2016, Vinafood 2 đã thoái toàn bộ vốn và Việt Hân nắm 100% vốn trong liên doanh.
Chỉ 4 ngày sau, Việt Hân chuyển 99% vốn ở Việt Hân Sài Gòn cho một cá nhân. Rồi 1 ngày sau, cá nhân này lại chuyển 99% vốn đó cho Công ty Bất động sản Mùa Đông - VID. Chưa đầy 1 năm sau, ngày 24/01/2017, toàn bộ vốn góp tại Việt Hân Sài Gòn lại về tay BOB (40%) và Saigon Dimensions (60%).
Công Quang