Đại biểu đề nghị ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi

Trần Kháng

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 2/11, nhiều đại biểu thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) đánh giá, thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế…

Tuy nhiên, theo ông Trí, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân.

Đại biểu đề nghị ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi - 1

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) (Ảnh: Quochoi.vn).

Cũng theo ông Trí, nguồn vốn đầu tư còn phân tán, nhiều chương trình chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng của quốc gia, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên vùng nhằm tạo tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công, dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, theo ông Trí, kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, đối với công tác này cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm nay mà kéo dài từ nhiều năm trước.

"Việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công…", ông Trí nêu.

Ông Trí cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá.

Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực.

Đồng thời, ông Trí đề nghị, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Tăng cường đầu tư cho các đường cao tốc

Quan tâm tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn khi tình hình quốc tế, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố tác động dẫn tới giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao.

Một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khiến các địa phương gặp lúng túng trong triển khai các dự án.

Đại biểu đề nghị ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi - 2

Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) (Ảnh: Quochoi.vn).

Bà Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, bà Mai cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Để thực hiện tốt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đề ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành tăng cường hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công. Nếu giải ngân tốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, nên cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng, tu bổ các tuyến đường cao tốc...

Theo bà Yến, việc đầu tư cho các đường cao tốc như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng  và một số dự án khác có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách, nếu các khoản chi không hết trong năm thì địa phương phải trả về ngân sách hoặc Nhà nước phải thu hồi.

Qua tình hình thực tiễn hiện nay, bà Yến cho biết, các đường cao tốc đang tiến hành cũng rất thuận lợi cho việc đảm bảo cơ bản về tiến độ các tuyến đường. Tuy nhiên, nếu thu hồi lại thì các đường này sẽ gặp khó khăn trong nguồn vốn.

"Chúng ta phải làm lại các thủ tục để lấy một nguồn vốn khác phục vụ cho việc đầu tư. Mặt khác, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc cũng không thể nào ngưng được", bà Yến nói và kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi khoảng 13.000 tỷ đồng cho các đường cao tốc này để tiếp tục thực hiện. 

Đề cập về vấn đề giải ngân đầu tư công, giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52%.

Vấn đề đặt ra là tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn? Bộ trường cho rằng, nguyên nhân có phải do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, nếu không sửa Luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Do đó, đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm