Cứu trợ BĐS giữa “bão” Covid-19: Có nên bỏ tiền “cứu nhà giàu”?
(Dân trí) - Theo TS. Đinh Thế Hiển, bất động sản có thể không phải là ngành được ưu tiên cứu trợ nhưng buộc phải có sự quan tâm đúng mực khi đây là lĩnh vực liên quan mật thiết đến hệ thống ngân hàng.
Mỗi một quốc gia đều có 1 mô hình giải cứu khác nhau
Dịch Covid-19 đã thực sự trở thành “cơn bão” càn quét, đẩy nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn. Chính phủ đã bắt đầu có động thái đưa ra các kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới tất cả các ngành nghề kinh tế. Sự can thiệp hỗ trợ của Chính phủ là rất kịp thời. Nhưng, chúng ta phải nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam sẽ không thể đủ nguồn lực để cứu trợ tất cả các ngành nghề, phải có những lĩnh vực được ưu tiên, và lĩnh vực được cứu trợ sau.
Mỗi một quốc gia đều có mô hình giải cứu khác nhau và không thể áp dụng mô hình của nước này, nước kia vào Việt Nam. Chúng ta phải căn cứ vào tình hình kinh tế của nước mình.
Ví dụ, ở nước Mỹ, gói cứu trợ sẽ hướng tới tiêu dùng nội địa đầu tiên. Chính phủ Mỹ sẽ tìm cách đưa tiền cho người dân bằng mọi cách. Khi người dân có tiền, nhu cầu tiêu dùng được thực hiện, các ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ tái hoạt động và nền kinh tế được cứu.
Nhưng ở Việt Nam, khó có cơ chế để Chính phủ đưa tiền cho người dân. Thông thường, Chính phủ sẽ dùng đầu tư công để kích cầu hoặc giải cứu doanh nghiệp bởi Việt Nam vẫn chưa có tính thị trường mạnh.
Trong công cuộc giải cứu các lĩnh vực, hỗ trợ thị trường bất động sản đang là một vấn đề tạo ra luồng ý kiến trái chiều khác nhau. Có quan điểm cho rằng, không nên giải cứu bất động sản vì đây là lĩnh vực phi sản xuất, trong khi đó, nhiều người lại cho rằng nếu các doanh nghiệp BĐS gặp khó thì cũng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Quan điểm của ông thì sao?
Ở giai đoạn này, về vấn đề giải cứu doanh nghiệp, Chính phủ phải nhận diện, doanh nghiệp nào sẽ được hỗ trợ đầu tiên.
Về bất động sản, nếu nói đây là lĩnh vực phi sản xuất chỉ đúng một phần. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã từng nhận định, 1 đồng vào lĩnh vực này sẽ tạo ra 3 đồng vào các ngành khác như xây dựng, vật liệu xây dựng…
Mặt khác, trong lĩnh vực bất động sản, đây là ngành hút vốn rất lớn. Giá bất động sản tăng quá nhanh, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Thị trường bất động sản Việt Nam có lượng đầu cơ rất lớn, đầu tư nhiều vào đất nền, dễ lướt sóng.
Nhưng rõ ràng, bất động sản là một lĩnh vực có quan hệ mật thiết với hệ thống ngân hàng. Nếu bất động sản gặp khó khăn sẽ kéo theo ngân hàng suy thoái.
Kịch bản năm 2011-2012 là một ví dụ khi nợ xấu đến thời điểm hiện tại trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa xử lý xong, để lại di chứng nặng nề.
Như vậy, bất động sản sẽ không thể trở thành ngành được ưu tiên hỗ trợ vì đó là ngành đầu tư sinh lời, không tạo ra năng lực cạnh tranh cho quốc gia. Và năng lực cạnh tranh của quốc gia không nằm trên sự tăng giá của bất động sản.
Trong thời điểm nền kinh tế khó khăn, Chính phỉ phải cứu ngành nghề thiết yếu trước, dễ ảnh hưởng đến nông nghiệp, công nghiệp, đến việc làm của hàng triệu người dân, đặc biệt ngành nghề tạo ra xu thế khẳng định năng lực cạnh tranh.
Nhưng bất động sản vẫn phải được quan tâm đúng mực, bởi nếu không sẽ trực tiếp đẩy nền kinh tế vào tình trạng khủng hoảng lâu dài.
Kịch bản đen tối của 2011-2013 khó lặp lại với BĐS
Như ông vừa trao đổi, bất động sản không cần hỗ trợ nhưng phải được quan tâm. Liệu có lo ngại rằng, nếu bất động sản thiếu đi bàn tay từ “bà đỡ” Nhà nước kịp thời thì một kịch bản đổ vỡ như giai đoạn 2011-2013 sẽ lặp lại với thiệt hại nặng nề hơn?
Bất động sản có một chu kỳ phát triển 5 năm. Các dự án bất động sản đều hình thành trong tương lai và doanh nghiệp lại dựa quá nhiều vào ngân hàng.
Về vấn đề chu kỳ phát triển, kể từ cuộc khủng hoản chạm đáy 2011-2013, bất động sản đã bước sang chu kỳ mới 2014-2019 và có tăng trưởng nóng.
Thị trường giai đoạn đó đã rất sôi động, thu hút lượng nhà đầu tư lớn với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp phát triển dự án. Mặt bằng giá bất động sản gia tăng mạnh mẽ. Đó là giai đoạn mà Ngân hàng Nhà nước có động thái siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Như vậy, cuối năm 2019 là năm cuối của chu kỳ tăng trưởng. Đại dịch Covid-19 chỉ là tác nhân khiến giọt nước tràn ly. Doanh nghiệp bất động sản có thể yếu đi và tự điều chỉnh. Các chủ thể đã trải qua giai đoạn trước nên khả năng tự phục hồi là điều có thể. Nên tôi nghĩ, kịch bản của 2011-2013 khó lặp lại đối với chính doanh nghiệp địa ốc. Không nên quá bi quan về một kịch bản xấu có thể xảy ra.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay cần có những chính sách, hỗ trợ gì để giúp các doanh nghiệp BĐS vực dậy khó khăn?
NHNN nên có chỉ đạo quy định về nợ xấu trong giai đoạn này như cho phép Ngân hàng thương mại giãn nợ, khoanh nợ, gia hạn, tránh tình trạng đẩy nguồn vốn vay của doanh nghiệp địa ốc vào nợ xấu.
Với thị trường, tôi cho rằng nên có chính sách hỗ trợ đối tượng tạo ra tính thanh khoản thực trên thị trường, đó là người có nhu cầu mua nhà thật. Họ có thể là người bị mất việc, thiếu việc, thu nhập giảm do đại dịch. Họ là đối tượng khó khăn khi phải tự xoay sở khoản tiền để trả góp cho căn hộ.
Việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng này để tránh cho họ phải bán lại căn hộ đã mua, dẫn đến tình trạng bán hàng loạt, làm giá giảm mạnh như tình trạng của cơn khủng hoảng năm 2012.
Thị trường bất động sản sẽ không rơi vào tình trạng bị bán tháo, giá giảm bất hợp lý. Đây cũng là cách để hỗ trợ doanh nghiệp địa ốc, giúp họ đẩy được hàng tồn. Bên cạnh đó, khi người dân có tiền chi tiêu, nhu cầu mua sắm vẫn duy trì, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành khác. Nền kinh tế sẽ vượt qua đại dịch nếu có sự kết hợp như vậy.
- Xin cảm ơn ông!
Nhật Minh