"Cò" săn mua đất nông nghiệp, nông dân Đông Anh đứng ngồi không yên

(Dân trí) - Gần đây, các cò đất, môi giới,... tại Đông Anh không chỉ đổ xô mua các loại đất thổ cư mà còn có xu hướng săn mua đất nông nghiệp với giá từ 150 đến gần 200 triệu đồng/sào bắc bộ (360 m2) khiến nhiều người dân ở Đông Anh đứng ngồi không yên.

Theo ông Mạnh, một người chuyên buôn đất tại thôn Lực Canh cho biết, vào thời điểm từ cuối năm 2017 đến 2018, các diện tích đất ngoài bãi ngoài đê sông Hồng được mua nhiều hơn cả, mức giá khá rẻ chỉ từ 70 đến gần 100 triệu đồng m2. Đây là nơi được cho là tương lai sẽ có dự án đô thị bên sông Hồng và sẽ được đền bù.

Cò săn mua đất nông nghiệp, nông dân Đông Anh đứng ngồi không yên - 1

Một phần diện tích đất nông nghiệp đã bị bỏ không mấy năm nay

Từ năm 2018 đến nay, những diện tích đất nông nghiệp trong đê sông Hồng, thuộc địa phận các xã Xuân Canh, Tàm Xá, Đông Hội được cò đất tăng cường săn mua.

"Hiện giá đất trong đê chỗ đẹp lên đến 200 triệu đồng/sào, chỗ bình thường tầm 150 - 160 triệu đồng. Mà giờ không có đất mà mua đâu, chỉ có bọn tôi ôm giấy tờ, hồ sơ nhiều mới có. Chú thích đầu tư dài hạn hay lướt sóng đều có hết, mảnh đẹp, to tiền, mảnh để đầu tư dài hạn thì bé tiền", người đàn ông buôn đất khẳng khái nói.

Để tăng thêm niềm tin, ông Mạnh đưa ra hàng loạt thông tin các dự án lớn, nhỏ tại các xã ven sông Hồng, giáp Hà Nội để làm vẽ lên tương lai cho người mua đất

"Các doanh nghiệp lớn về đâu thì sau đó sẽ có nhiều doanh nghiệp khác, dự án khác về cùng. Tại Xuân Canh - Xuân Trạch sẽ là đại dự án triển lãm quốc gia. Khu vực chợ Dâu (thuộc xã Tàm Xá, Đông Anh) cũng là đất ở nhưng nay đã được giải tỏa để làm dự án trung tâm thương mại 20 tầng đấy! Các quỹ đất nông nghiệp bây giờ thế thôi, vài năm nữa sẽ được lấy hết. Mua đất thổ cư giờ không đẹp bằng đất ruộng", ông Mạnh nói chắc nịch.

Trên thực tế, với giá bán 150 đến 200 triệu đồng/sào, bình quân mỗi m2 hiện có giá chỉ từ 400 đến hơn 500.000 đồng. Mức giá này hiện cao hơn rất nhiều so với giá Nhà nước đền bù khi lấy đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhiều nếu so với giá đất đền bù theo giá thị trường mà nhiều chủ đầu tư chuyển đổi thành đất dự án, đất ở tại Hà Nội hiện nay.

Một môi giới đất nông nghiệp tung tin: "Hiện hầu hết đất nông nghiệp, phi nông nghiệp tại các xã Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Xuân Canh, Đông Hội,... đều nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp. Nếu họ chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, đất dự án, mức giá đền bù có thể lên đến từ 2 - 4 triệu đồng/m2".

Một điều lạ là hầu hết giới ôm đất có niềm tin mãnh liệt vào giá đất ruộng có thể lên giá nhanh chóng trong vòng vài năm tới. Chính vì vậy, có nhiều tay to ôm hàng cả mẫu ruộng, với chi phí bỏ ra vài tỷ đồng, bán trao tay lãi cả chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/sào.

Thực tế, sốt đất ruộng tại Đông Anh mới xảy ra ở một số xã có các đại dự án, nằm trên đường giao thông lớn hoặc khu đô thị tương lai, còn phần lớn các xã nằm xa dự án, quốc lộ đều không sốt, thậm chí không có giao dịch.

Theo lời của môi giới đất, giá đất nông nghiệp ở các xã như Nguyên Khê, Vân Nội cũng đang có tình trạng "tay to" mua vào. Còn quỹ đất nông nghiệp tại các xã Tàm Xá, Xuân Canh, Đông Hội đều được bán tất tay, đất bị bỏ không cỏ dại. Các diện tích đất còn lại được giao dịch ngầm: đất đã bán, giấy tờ giao tay nhưng vẫn được sản xuất, canh tác.

Theo một số người dân tại Xuân Canh, khi giao dịch mua bán, các giấy tờ đất nông nghiệp đều được giao cho cò đất nắm giữ mà không làm các thủ tục pháp lý. Cò đất cũng phần lớn là tay to, người có máu mặt tại địa phương hoặc làm thuê cho chủ lớn khác.

Khi bán, nông dân đều phải ký các loại giấy tờ ủy quyền và nếu trường hợp đất đã bán mà đền bù với giá cao hơn, người dân cũng khó có cơ hội để đòi thêm tiền hoặc đứng ra kiện tụng.

Cũng do nằm trong cơn sốt đất, nên nhiều nông dân có ít ruộng đã tặc lưỡi bán đi những phần đất của mình để thu về món tiền từ vài trăm triệu đồng đến nửa tỷ đồng.

Ông Liêm, một người dân tại Lực Canh, Xuân Canh cho hay: "Làng này quỹ đất nông nghiệp ít nên mỗi nhà chỉ được khoảng 2 - 3 sào. Mới đầu tôi cũng không có ý định bán, nhưng hai ông bà già, không làm được gì, con cái lại đi Nam làm ăn hết mà ngày nào chúng nó (cò đất) cũng vào nói chuyện. Tôi cũng mới bán để góp tiền mua mảnh đất giãn dân với con trai".

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm