Xây siêu thành phố thông minh tỷ USD, đất Đông Anh lại có dịp “nổi sóng"?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, thông tin về một "siêu" thành phố thông minh có thể sẽ thúc đẩy thị trường đất nền xung quanh trục đường Võ Nguyên Giáp thiết lập mặt bằng giá mới...
Tại hội nghị về đầu tư diễn ra cuối tuần qua, Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án trên địa bàn thành phố.
Một trong những dự án đáng chú ý với quy mô lớn được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trao giấy chứng nhận đầu tư đó là Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư dự án là 94.349 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD) do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG “bắt tay” thực hiện.
Theo chia sẻ của chủ đầu tư, dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 9 năm nay. Dự án được chia làm 5 giai đoạn, trong đó Sumitomo và BRG thực hiện giai đoạn 1 xây dựng phần “lõi” của dự án trên diện tích khoảng 271 ha.
Các hạng mục chính được đầu tư sẽ bao gồm tòa nhà trung tâm tài chính, các tiện ích từ trường học, đường tàu cao tốc, quảng trường, đường giao thông và nhà ở hỗn hợp… Tại đây sẽ được xây dựng một hồ quy mô như Hồ Hoàn Kiếm nhưng khác ở chỗ không có tháp rùa. Hạng mục này được trao cho phía Nhật làm và đây là điểm nhấn nổi bật của trung tâm.
Sau khi khởi công, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa rất mạnh, đặc biệt có tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản xung quanh khu vực này. Các chuyên gia cho rằng, ở những khu vực có thông tin dự án đô thị, xây dựng cầu, đường hay dự án hạ tầng khác được công bố thì lập tức giao dịch trở nên sôi động, giá bất động sản điều chỉnh tăng lên cao.
Với việc ra đời một “siêu” thành phố thông minh cùng nhiều tiện ích về hạ tầng, nhiều người cho rằng, thông tin này có thể sẽ là thúc đẩy thị trường đất nền xung quanh trục đường Võ Nguyên Giáp, khu vực xã Vĩnh Ngọc thiết lập mặt bằng giá mới. Trong khi đó, đất nền khu vực này trước đó cũng đã khá “nóng” với các nhà đầu tư.
Cẩn trọng khi “ôm đất chờ thời”
Nhiều năm trở lại đây, đất nền Đông Anh luôn là tâm điểm thu hút giới đầu cơ. Trong vòng 8 năm qua, kể từ năm 2010, giá đất Đông Anh đã trải qua nhiều cơn sốt nóng. Có thể nói, giai đoạn 2010 - 2011 là thời kỳ “lên ngôi” của đất nền Đông Anh khi giới đầu cơ “đi tắt đón đầu” dự án cầu Nhật Tân, Đông Trù.
Tuy nhiên ngay sau đó, giới đầu cơ cũng một phen “đau đầu” khi thị trường bất động sản rơi tự do. Tiếp theo đến giữa năm 2014 – 2015, cơn sốt lại nổi lên khi hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở Đông Anh đi vào vận hành, như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù chính thức thông xe, nhà ga T2, tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện.
Còn tại thời điểm này, một môi giới chuyên đất nền Đông Anh cho biết: “Giá đất khu vực hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp giờ đang có dấu hiệu tăng trở lại. Tại các khu vực Vĩnh Ngọc, hiện mức giá giao động từ 20 - 55 triệu đồng/m2, tùy vào từng vị trí”.
Qua tìm hiểu trên một trang chuyên về bất động sản cũng cho thấy, giá đất xung quanh khu vực Vĩnh Ngọc, Đông Anh có giá khá cao, nhiều miếng được rao ở mức 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá tăng cao, lượng chào bán cũng nhiều nhưng qua chia sẻ của một môi giới tại Đông Anh thì lượng giao dịch thành công ở thời điểm này không nhiều.
Môi giới này cho biết, đầu năm 2018, với thông tin siêu đô thị thông minh sắp khởi công, anh nhận được nhiều cuộc điện thoại để tìm hiểu mua đất nhưng cũng chỉ mới trong tình trạng “xem xét”. Lý giải về điều này, anh cho rằng do giá đất thời điểm này có thể coi là tương đối cao nên các nhà đầu tư cân nhắc rất nhiều trước khi “xuống tiền”.
Không chỉ với đất nền khu vực Đông Anh, giá trị gia tăng thực tế qua mỗi lần sốt ở bất kỳ khu vực nào cũng đều không như tin đồn. Do vậy nếu không muốn “ôm trái đắng”, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước thông tin sốt đất. Để đầu tư vào bất kỳ khu vực nào, cần nghiên cứu và có phân tích về tình hình thực tế khu vực, vị trí đất, cùng với giấy tờ pháp lý rõ ràng, trên cơ sở căn cứ vào tình hình tài chính của bản thân muốn đầu tư ngắn hạn hay trung hạn, dài hạn để đưa ra quyết định.
Nguyễn Khánh