Chung cư ở Hà Nội bớt khan hiếm nhưng giá rao bán vẫn cao chót vót do đâu?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, hiện chi phí thuế đất, xây dựng, đầu tư,... ngày càng tăng khiến giá chung cư khó giảm. Đồng thời, chủ đầu tư đang kỳ vọng mức lợi nhuận cao hơn, do chi phí đầu tư bỏ ra nhiều.
Giá rao bán chung cư tiếp tục tăng
Theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường, riêng 9 tháng qua, tổng nguồn cung mở bán mới căn hộ chung cư tại Hà Nội đạt hơn 19.000 căn, vượt tổng nguồn cung cả năm 2023. Với nguồn cung dồi dào này, năm nay có thể chấm dứt chu kỳ khan hiếm nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong suốt 4 năm qua. Dự kiến, năm nay, cả nước sẽ có nguồn cung chung cư khoảng gần 30.000 căn hộ.
Mặc dù nguồn cung căn hộ tăng lên, song mặt bằng giá bán tại Hà Nội vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng ở cả 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình đạt 64 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì), thấp hơn 3% so với TPHCM.
Tại thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt 46 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì), tăng 5,5% theo quý và gần 26% theo năm. Đà tăng giá bán thứ cấp chưa có dấu hiệu dừng lại và hiện chỉ cách mức giá thứ cấp chung cư của TPHCM khoảng 2 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, một tháng trở lại đây, giá rao bán chung cư tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, một căn nhà có diện tích 64m2, thiết kế 2 phòng ngủ tại dự án Vinhomes Smart City thời điểm giữa tháng 9 được rao bán với giá khoảng 4,2 tỷ đồng. Đến nay, cũng căn nhà tương tự đang được rao bán với giá dao động từ 4,5 tỷ đồng đến 4,7 tỷ đồng.
Hay tại dự án Thăng Long Number One, một căn chung cư có diện tích 87m2, thiết kế 2 phòng ngủ thời điểm cuối tháng 9 được rao bán với giá 5,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay căn chung cư này được tăng giá rao bán lên 6 tỷ đồng.
Có nhu cầu mua nhà, anh Nguyễn Văn Ngữ (quê Nam Định) cho biết, đã 3 tháng nay gia đình anh liên tục đi xem nhiều căn chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và Hà Đông. Với tài chính khoảng 3 tỷ đồng, anh Ngữ dự tính sẽ mua một căn chung cư khoảng 65-70m2, thiết kế 2 phòng ngủ.
"Càng đi xem nhiều tôi thấy giá được chủ nhà đưa ra càng cao hơn. Ví dụ một căn nhà có diện tích 68m2 tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), thời điểm tháng 8 được rao bán với giá khoảng 3,3 tỷ đồng. Vẫn căn nhà này, chủ nhà đang chào bán với giá 3,7 tỷ đồng", anh nói.
Vì đâu giá chung cư khó giảm?
Chuyên gia bất động sản Trần Quang Trung cho rằng nhiều người vẫn đang chờ chung cư giảm giá nhưng việc chờ đợi này dường như không khả thi. Bởi vì tất cả yếu tố đầu vào của doanh nghiệp phát triển dự án như chi phí thuế đất theo biểu giá mới, chi phí xây dựng, đầu tư về thiết kế sản phẩm... đều đang đội lên không ít.
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, để sở hữu một vị trí đẹp, đặc biệt tại trung tâm, doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền lớn. Khi giá đất đã cao, chủ đầu tư lại làm một sản phẩm bình dân thì chắc chắn sẽ lỗ. Với những vị trí đẹp, đơn vị phát triển dự án phải làm ra các sản phẩm xứng tầm với vị trí đó, như vậy không có giá rẻ.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - cho rằng, phần lớn dự án mở bán mới nằm trong đại đô thị hiện hữu với mặt bằng giá đã cao. Bên cạnh đó, giá bán ở ngưỡng cao một phần vì lực cầu đầu tư lớn, dòng tiền vẫn đổ về sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực ở trung tâm. Do đó, thanh khoản thị trường vẫn được duy trì tích cực.
Khi tung ra sản phẩm mới, chủ đầu tư sẽ tính toán kỹ tương quan giá bán với khu vực nên những tòa mới khó có giá thấp hơn giai đoạn trước hoặc dự án xung quanh. Điều này để đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng của chủ đầu tư trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu gia tăng.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung chung cư tại Hà Nội đã tăng trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn cung mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, chi phí đất đai tăng cao.
Với mức chi phí đầu tư cao như hiện nay, các chủ đầu tư cũng kỳ vọng lợi nhuận cao hơn trước. Do đó, mặt bằng giá chung cư sơ cấp rất khó giảm. Giá chung cư ở thị trường sơ cấp tăng cao đã kéo theo giá tại thị trường thứ cấp cũng tăng đột biến.
Lý giải về việc nguồn cung bất động sản tăng nhưng giá không giảm, tại họp báo mới đây của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho rằng, nguồn cung bất động sản chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá bất động sản tại một số khu vực, địa phương trong thời gian qua.
Theo ông, giá bán bất động sản tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới. Bên cạnh đó, có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời…
"Việc đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận. Đồng thời, việc này còn làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản", ông nói.