Chống corona ở chung cư: Không nói chuyện trong thang máy, ra vào phải rửa tay

(Dân trí) - Dân chung cư đối phó với dịch Corona; Diễn biến bất ngờ ở vụ tháo dỡ công viên hàng trăm tỷ đồng ở Hà Nội... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Dân chung cư đối phó với dịch Corona

Một số chung cư trên địa bàn Hà Nội đã có thông báo trên các bản tin nội bộ về dịch cúm virus Corona . Theo đó, cư dân và khách đến chung cư nên sử dụng khẩu trang y tế, hạn chế nói chuyện trong thang máy và sử dụng cồn sát khuẩn trước khi bấm thang...

Tại chung cư Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông, TP.Hà Nội), theo Ban quản lý chung cư này, sau khi nắm bắt được các thông tin về dịch cúm virus corona, Ban quản trị cùng Ban quản lý đã ra thông báo dán lên bảng tin để cư dân và khách nắm rõ. Ngoài thông báo, đơn vị còn cung cấp nước rửa dung dịch để cư dân và khách khi vào thang máy rửa tay trước khi bấm thang.

Trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh như vậy, chung cư Mipec Riveside (quận Long Biên) cũng đã có thông báo khuyến cáo tới cư dân. Tại các thang máy của chung cư này đã được dán thông báo để người dân dễ cập nhật thông tin. Trong thông báo còn ghi rõ “cư dân và quý khách vui lòng không nói chuyện, nghe gọi điện thoại trong thang máy”.

Chống corona ở chung cư: Không nói chuyện trong thang máy, ra vào phải rửa tay - 1
Nhiều cư dân nước ngoài khi thấy thông báo đã đến đọc để nắm thông tin. Ảnh C.Nguyên.

Bất động sản năm 2020: Thị trường sàng lọc mạnh, đất nền vẫn sẽ “hot"

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 nhìn chung tiếp tục có sự giảm tốc nhưng thực chất hơn. Không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng.

Nghịch lý của thị trường bất động sản 2020 vẫn là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển. Sự thanh lọc thị trường sẽ diễn ra rất mạnh, những doanh nghiệp bất động sản lớn mạnh, có tiềm năng thực sự sẽ tồn tại.

“Nhìn chung, sang năm 2020, tôi cho rằng đất nền vẫn là chủ đạo, mặc dù sản phẩm này không được khuyến khích. Hiện nay chưa có cơ chế để xử lý tình trạng “om" đất nền, nhiều người gom giữ nó để thành bãi đất cỏ mọc um tùm. Đáng lẽ nên có quy định giao đất trong bao lâu mà anh không xây thì anh phải nộp thuế nhiều hơn”, ông Đính nói.

Chống corona ở chung cư: Không nói chuyện trong thang máy, ra vào phải rửa tay - 2
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam.

Vụ tháo dỡ công viên hàng trăm tỷ đồng ở Hà Nội: Diễn biến bất ngờ

Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý khẩn cấp việc UBND quận Hà Đông thực hiện không đúng quy định của pháp luật về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với Công ty.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, đại diện Cienco 5 cho biết do vi phạm nên công ty chấp hành việc quyết định tháo dỡ.

Tuy nhiên, sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…, Cienco 5 cho biết.

Chống corona ở chung cư: Không nói chuyện trong thang máy, ra vào phải rửa tay - 3
Khu máng trượt vỡ vụn sau tháo dỡ.

Giá nhà tăng, căn hộ giá rẻ "biến mất": Lao động đô thị bao giờ có nhà ăn Tết?

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết phân khúc căn hộ giá dưới 22 triệu đồng/m2 không nhiều . Nguồn cung căn hộ giá rẻ khan hiếm trong khi lượng cầu hướng tới giá thành dưới 22 triệu đồng/m2 hay căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng rất nhiều. Lượng giao dịch đối với phân khúc này rất tốt.

Đối với thị trường Hà Nội, phân khúc giá rẻ nếu có cũng chỉ nằm ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm. Lượng hàng cũng không nhiều. Một trong những lý do khiến nhà đầu tư ít đầu tư vào phúc này do tỷ suất lợi nhuận không cao.

Việc mất cân đối nguồn cung này sẽ do thị trường tự điều tiết. Bao giờ cũng vậy, chủ đầu tư không cạnh tranh được phân khúc khác thì ắt sẽ phải tự chuyển đổi, tìm đến những phân khúc có cầu lớn, tính thanh khoản cao.

Giá nhà Việt Nam đâu phải siêu đắt, vì sao lao động đô thị mất vài chục năm mới có?

Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia bất động sản cho rằng giá nhà đất ở Việt Nam nhìn trong một góc độ nào đó có những vùng cao và rất cao so với thu nhập người mua. Tuy nhiên nếu so sánh theo từng vị trí, tuỳ từng khu vực thì giá bất động sản Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước phát triển.

Ông Hiển lấy ví dụ căn hộ cao cấp trung tâm TP.HCM có giá từ 100 triệu đồng - 200 triệu đồng/m2 là quá cao nhưng cũng ở vị trí đẹp, trung tâm của một số thành phố như Hong Kong thì căn hộ vài chục triệu USD không hiếm.

Tuy nhiên ông Hiển cho rằng, nếu so sánh trên cơ sở thu nhập đầu người thì quả thực, nhà đất ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước. Ông Hiển tính toán, nếu người lao động tại TP Hồ Chí Minh bình quân mất 20 năm, thậm chí có người 30 năm mới đủ mua một căn hộ trung cấp thì ở các nước phát triển khác chỉ mất khoảng 7 - 10 năm.

Nguyễn Khánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm