Chọn gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp để làm nội thất?

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Mỗi loại gỗ đều có ưu, nhược điểm riêng. Tùy thuộc vào sở thích, khả năng tài chính, mục đích sử dụng mà chủ nhà có thể quyết chọn dùng gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp.

Gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên đều được sử dụng linh hoạt trong thiết kế và thi công nội thất. Mỗi loại lại có đặc điểm khác nhau. 

Ưu, nhược điểm của gỗ tự nhiên

Về gỗ tự nhiên, đây là loại gỗ có độ bền cao. Một vài loại gỗ tự nhiên thuộc dạng quý hiếm như pơ mu, giáng hương, đinh hương, gụ, trắc... còn được coi là tài sản, có thể tăng giá theo thời gian sử dụng.

Gỗ tự nhiên có độ bền cao khi tiếp xúc với nước. Tuy nhiên, sau đó, người dùng nên xử lý ngay tránh tình trạng gỗ bị mục, sần sùi ở bề mặt.

Ưu điểm lớn của gỗ tự nhiên là có kích thước phong phú. Việc này thuận tiện cho người thợ thiết kế, vẽ hoa văn, căn chỉnh kết cấu mỹ thuật. Trong khi đó, việc này khó có thể làm được với gỗ công nghiệp vì gỗ công nghiệp được sản xuất theo tấm định hình. 

Nói đến tính thẩm mỹ, gỗ tự nhiên mang phong cách cổ điển, hiện đại nhưng vẫn sang trọng. Với những người có kiến thức về gỗ, chỉ cần nhìn vân gỗ, họ có thể đọc tên được loại gỗ. Tùy vào sở thích và món đồ, bạn có thể lựa chọn loại vân gỗ và màu sắc sao cho phù hợp với tổng thể. 

Chọn gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp để làm nội thất? - 1

Gỗ tự nhiên có kích thước phong phú, thuận tiện cho người thợ thiết kế, vẽ hoa văn, căn chỉnh kết cấu mỹ thuật (Ảnh: Pinterest).

Gỗ tự nhiên có khả năng chịu trọng lực lớn, không bị biến dạng khi có tác động mạnh từ bên ngoài. Nếu được tẩm sấy, sơn bả kỹ càng, gỗ tự nhiên có thể chịu được thời tiết ẩm ướt mà không bong tróc. Tuổi thọ trung bình của gỗ tự nhiên kéo dài lên đến 30 năm.

Về nhược điểm, gỗ tự nhiên có giá tương đối cao. Trên thực tế, gỗ tự nhiên ngày càng hiếm. Hiện nay, hầu hết gỗ tự nhiên đều được nhập khẩu, chi phí gia công chế tác cũng rất tốn kém vì phải làm thủ công nhiều, do vậy mà giá cả gỗ này thường rất cao.

Gỗ tự nhiên thường có hiện tượng cong vênh, co ngót nếu không qua xử lý tốt. Hiện tượng này thường xảy ra ở những tấm gỗ có bề mặt diện tích lớn như cánh tủ, cánh cửa…

Ưu, nhược điểm của gỗ công nghiệp

Về gỗ công nghiệp, loại gỗ này giúp người thợ dễ dàng tạo mặt phẳng và sơn các màu khác nhau nhưng không bị sần sùi, thô kệch. Do đặc thù hình dạng và tính chất, gỗ công nghiệp thường được thiết kế theo phong cách đơn giản nhưng hiện đại, trẻ trung, phổ biến cho nhiều đối tượng sử dụng.

Bên cạnh đó, nội thất làm bằng gỗ công nghiệp cho giá thành rẻ, phù hợp với nhiều người. 

Tuy nhiên, gỗ công nghiệp không bền bằng gỗ tự nhiên. Một vài điểm quan trọng ảnh hưởng lớn đến độ bền của gỗ công nghiệp là các phụ kiện đi kèm như bản lề cánh tủ, ray trượt ngăn kéo. Nếu dùng các phụ kiện này chất lượng thấp, dễ làm hỏng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Do đặc điểm vật lý và sự liên kết của từng vân gỗ công nghiệp nên việc sản xuất các chi tiết mỹ thuật phức tạp là tương đối khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, độ tinh tế của các sản phẩm nội thất khi hoàn thiện. 

Chọn gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp để làm nội thất? - 2

Gỗ công nghiệp có giá thành vừa phải (Ảnh: Pinterest).

Những loại gỗ phổ biến được dùng trong thi công nội thất

Gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp đều không thể tránh tình trạng mối, mọt. Tuy nhiên, gỗ công nghiệp có sử dụng keo, hóa chất để sản xuất nên mối mọt sẽ chậm ăn hơn gỗ tự nhiên. 

Hiện tại, mức giá gỗ tự nhiên dao động trong khoảng từ 6,5 triệu đồng/m3 (đối với gỗ sồi) - 50 triệu đồng/m3 (đối với gỗ cẩm lai đen). 

Ở Việt Nam, loại gỗ phổ biến được sử dụng trong thi công nội thất gồm gỗ óc chó do khả năng thích ứng tốt với khí hậu Việt Nam, chất liệu gỗ bền.

Ngoài ra, gỗ sồi cũng là loại gỗ được nhiều người lựa chọn. Gỗ sồi cứng, có hai loại là gỗ sồi đỏ (red oak) và gỗ sồi trắng (white oak). 

Gỗ công nghiệp phổ biến có gỗ MDF (Medium Destiny Fiberboard) gồm 2 loại là lõi thường và lõi xanh chống ẩm. Gỗ loại này thích hợp để thi công nội thất gia đình như tủ kệ giày dép, tủ bếp, vách nhà tắm.

Gỗ ván dăm MFC chủ yếu được sử dụng để trang trí nội thất, sản xuất đồ mộc gia đình hoặc nơi công sở. 

Gỗ ghép thanh, loại gỗ bắt nguồn từ gỗ tự nhiên là loại ván gỗ được sản xuất từ việc ghép các thanh gỗ tự nhiên (nguồn gỗ rừng trồng) với nhau bằng các công nghệ hiện đại, tạo nên một tấm gỗ có kích thước lớn. Giá gỗ ghép thanh thường rẻ hơn khoảng 20-30% so với gỗ tự nhiên nguyên khối.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm