Chiếc chiếu rơm truyền thống gắn liền với đời sống của người Nhật Bản
(Dân trí) - Những ngôi nhà Nhật Bản hiện đại thường chỉ có một căn phòng trải chiếu tatami, nếu có, được gọi là washitsu, nghĩa đen là một căn phòng kiểu Nhật.
Nhắc đến những ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản, chắc chắn thiếu sót khi không nói đến tatami, một loại chiếu rơm độc đáo gắn liền với đời sống của người dân xứ Phù Tang trong nhiều thế kỷ. Không đơn thuần là vật dụng sinh hoạt bình thường, tatami còn được xem là "linh hồn" trong ngôi nhà của người Nhật Bản.
Những tấm thảm này phổ biến trong các ngôi nhà Nhật Bản đến nỗi kích thước của các căn phòng được đo bằng số lượng tatami bên trong - một phong tục đo lường vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Thông thường, một tấm chiếu tatami có chiều dài 1,8 m và rộng 90 cm. Chiều dài của chiếu thường phải gấp đôi chiều rộng. Ngoài hình chữ nhật, ngày nay người ta còn làm tatami hình vuông.
Chiếu tatami gồm 3 bộ phận: Lõi chiếu, bao chiếu và viền chiếu. Tatami truyền thống thời xưa được làm thủ công bằng rơm rạ kể cả phần lõi. Lớp phủ mềm mại của chiếu được dệt bằng rơm cói mềm, hoặc rơm igusa tạo cảm giác rất thoải mái khi ngồi, đi lại và ngủ trên đó.
Ngày nay, tatami được nâng cấp lên làm bằng máy móc, lõi chiếu cũng được thay thế bằng chất liệu dăm gỗ hoặc bọt polystyrene. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều làng nghề truyền thống sản xuất những chiếc chiếu rơm kỳ công, dành cho những ai yêu những cảm giác xưa cũ.
Ban đầu tatami không phải là loại thảm cứng được biết đến như ngày nay. Thay vào đó, chúng khá mỏng và có thể gấp lại được, đây cũng là nguồn gốc của tên gọi tatami, nó có nghĩa là gấp lại hoặc chất thành đống. Trong một thời gian dài, chiếu rơm tatami chỉ dành riêng cho giới quý tộc giàu có của Nhật Bản.
Đến khoảng thế kỷ 15 phong cách zashiki bắt đầu thịnh hành, chỉ toàn bộ các phòng đều được trải chiếu tatami. Những ngôi nhà Nhật Bản hiện đại thường chỉ có một căn phòng trải chiếu tatami, nếu có, được gọi là washitsu, nghĩa đen là một căn phòng kiểu Nhật.
Một điều thú vị là kích thước của chiếu tatami khác nhau tùy thuộc vào vùng đất nơi bạn ở. Ví dụ như ở Tokyo, bạn sẽ tìm thấy những tấm chiếu tatami nhỏ hơn một chút so với ở Kyoto. Vì vậy, một phòng chiếu 4 một phần hai, là kích thước chung của hầu hết các phòng trà đạo, ở cố đô Kyoto có thể lớn hơn một chút so với ở thủ đô Tokyo.
Cùng với sự phát triển của lối sống hiện đại, chiếu tatami không còn được sử dụng phổ biến như trước nữa. Chúng hiện chỉ được sử dụng tại những không gian Nhật truyền thống hay không gian trà đạo.
Hầu hết chúng ta đều biết rằng phong tục phổ biến ở Nhật Bản là cởi giày khi bước vào nhà. Tương tự với chiếu tatami truyền thống, bạn cần dùng chân trần hoặc mang tất để đi lên chúng. Điều này được cho rằng nhằm giữ cho thảm sạch sẽ và cũng thể hiện sự tôn trọng với gia chủ. Đừng lo lắng có thể bị lạnh chân vào mùa đông vì chiếu tatami có khả năng cách nhiệt tốt, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.