Chán cảnh đấu trí lừa lọc, môi giới nhà đất bỏ về quê làm công nhân
(Dân trí) - Dù nghề môi giới bất động sản hứa hẹn mức thu nhập rất cao với nhiều người trẻ, những góc khuất phía sau nghề lại khiến không ít người chán nản bỏ cuộc.
Trên nhiều hội nhóm xin việc, không ít người thẳng thừng từ chối các công việc liên quan tới môi giới bất động sản hay tư vấn bảo hiểm. Lý do là những nghề này khó bán hàng, mất thời gian, lao động không có lương cứng hoặc có cũng rất ít, đặc biệt là cạnh tranh rất khốc liệt mà nếu không dùng mánh khóe rất khó có thể trụ vững với nghề.
Đủ mánh lới
Làm nghề môi giới nhà đất lâu năm, anh Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nghề nào cũng có mặt trái và thừa nhận chuyện môi giới nhà đất làm ăn gian dối không phải là hiếm gặp. Đội "cò" đất tồn tại dưới nhiều hình thức và có nhiều chiêu trò, mánh khóe để kiếm ăn.
Ngoài chiêu đẩy giá ăn chênh khá phổ biến, theo anh Hoàng, đáng sợ nhất là không ít môi giới tìm cách lừa bán cho khách hàng những sản phẩm lỗi gây thiệt hại lớn về kinh tế cho khách hàng như lừa bán các căn nhà nằm trong quy hoạch, vùng ngập hay nhà có vấn đề...
"Khách thấy nhà rẻ bất ngờ, chất lượng nhà đẹp và xung quanh có nhiều người ở nên vô tư mua. Ở một thời gian, người mua mới biết nhà nằm trong quy hoạch và giá mua cao hơn nhiều so với đền bù", anh Hoàng lấy ví dụ về việc lừa bán những ngôi nhà nằm trong quy hoạch.
Không chỉ che giấu nhà trong quy hoạch, anh Hoàng cho hay không ít môi giới còn dụ khách mua nhà không có sổ đỏ. Chiêu trò các đối tượng vẫn thường sử dụng là hứa hẹn sẽ hỗ trợ làm sổ sau khi khách mua. Mức giá làm sổ cũng chỉ chênh vài triệu đồng với mỗi m2 diện tích. Nhưng thực thế theo người môi giới, việc làm sổ không dễ dàng. "Cò" có thể lừa thêm tiền làm sổ đỏ của khách rồi biến mất hoặc không trả lại và lấy lý do khó khăn.
Còn theo anh Thắng Minh - một môi giới nhà đất ở Cổ Bi (Hà Nội) - trong nghề bất động sản, dân môi giới không đàng hoàng có rất nhiều mánh lới qua mặt khách hàng. Đơn cử như việc, môi giới dẫn khách đi xem nhà kém chất lượng, nhà chung tường, chung móng nhưng lại không chia sẻ kỹ.
Ngoài ra, anh Minh thông tin, không ít ngôi nhà xuống cấp trầm trọng được sửa chữa lại như mới. Khách mua phải những ngôi nhà đó có giá rất cao, nhưng ở một thời gian ngắn sẽ nhanh xuống cấp nhưng không thể sửa chữa.
Không chỉ lừa khách, các môi giới còn lừa lẫn nhau. Theo chia sẻ của anh Minh, do nguồn cung thiếu hụt, một số môi giới đã đóng giả khách mua để đi xem nhà của môi giới khác. Sau khi lấy được thông tin chủ nhà, người môi giới sẽ chủ động liên lạc và dẫn khách của mình đến xem. Đây là tình trạng "nhảy" nhà giữa các môi giới.
Đồng nghiệp của anh Minh đã gặp trường hợp lừa đảo hi hữu trên. Theo đó, khi đồng nghiệp của anh Minh đang dẫn khách xem nhà thì gặp anh X (môi giới đóng giả khách mua) cũng dẫn khách tới nhà đó xem. Sau khi hiểu rõ sự việc, hai môi giới đã xảy ra ẩu đả. Còn phía chủ nhà không hề quan tâm, vì theo anh Minh, họ chỉ cần bán được nhà. Môi giới nào bán được cũng sẽ có hoa hồng.
Nếu môi giới may mắn vào được các sàn uy tín và có nhiều sản phẩm để bán thì lại phải đấu tranh nội bộ. Điển hình của việc tranh đấu theo chị Vũ Hà - môi giới nhà đất tại Cầu Giấy (Hà Nội) - chính là cắt hoa hồng của chính bản thân hay còn gọi "cắt máu". Theo đó, các môi giới sẽ tiếp cận khách hàng của nhau và chào mời mức ưu đãi cao hơn (được trích ra từ chính hoa hồng mà họ được nhận nếu bán được). Do đó, ai cắt hoa hồng sâu hơn thì sẽ giành được khách hàng.
Cũng theo chị Hà, môi giới có sản phẩm đẹp bằng mọi cách phải bán trước không đồng nghiệp sẽ bán mất. Sàn quá đông nhân viên, vì thế việc đấu trí không phải chỉ với 1-2 người. Không ít người vì quá mệt mỏi nên cũng bỏ nghề.
Một số đồng nghiệp cũ của chị Hà đã bỏ về quê làm công nhân. Họ chấp nhận yên ổn với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng thay vì đấu tranh mệt mỏi với mức thu nhập phập phù, lúc cao chót vót lúc không có gì.
Mỗi nghề đều có góc khuất, nhưng nghề môi giới bất động sản giúp những người trẻ mua bán nhà không mất tiền. Các môi giới trẻ có thể tích lũy kinh nghiệm từ các thương vụ để phát triển sang hình thức đầu tư mua - sửa - bán hay thuê - cho thuê. Vì thế, thay vì làm ăn gian dối, môi giới bất động sản nên tích lũy cho bản thân kiến thức và kinh nghiệm để phát triển ngành nghề.
Môi giới bất động sản cần có chứng chỉ hành nghề
Chia sẻ về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản quy định rõ việc môi giới hoạt động phải có chứng chỉ. Muốn có chứng chỉ, các môi giới phải có kiến thức về pháp luật, hiểu biết về thị trường, văn hóa, đạo đức... Môi giới sẽ được kiểm tra kiến thức khi thi sát hạch để cấp chứng chỉ. Sở Xây dựng các địa phương là nơi có trách nhiệm cấp chứng chỉ cho người hành nghề môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Đính, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ năm 2015 tới nay nhưng tiến độ và công tác cấp chứng chỉ còn chậm và không hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chỉ 10% môi giới hành nghề trên thị trường có chứng chỉ. Thậm chí, các địa phương không tổ chức cấp chứng chỉ có thể vì ngại sự lắt nhắt. Họ cũng không có bộ máy và không có kinh nghiệm thực hiện. Theo ông, không ít môi giới, do chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ nên hoạt động vẫn thiếu chuyên môn, đạo đức. Họ không có kiến thức cơ bản để hành nghề càng dễ dẫn đến sai phạm. Môi giới còn không biết mình sai phạm, dẫn đến xảy ra nhiều vấn đề nhức nhối cho xã hội.
Ông Đính khẳng định, hội vẫn tuyên truyền các thành viên của hiệp hội đào tạo trang thiết bị, kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp cho nhân viên. Chưa có chứng chỉ nhưng hội cũng đào tạo nhân viên hành nghề có đạo đức, văn hóa và đúng quy định pháp luật nhằm giảm tình trạng môi giới làm sai gây tác động xấu tới cộng đồng.