Cấp “sổ đỏ” cho condotel, 50 ngành khác hưởng lợi ngoài bất động sản?
(Dân trí) - Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho căn hộ condotel, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, bộ phận Đầu Tư, Savills Vietnam cho rằng, đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho condotel.
Theo ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, bộ phận Đầu Tư, Savills Vietnam, đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường bất động sản của Việt Nam ngay đầu năm 2020, đặc biệt là dành cho các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
“Nếu thông tư hướng dẫn này được chính thức triển khai, sẽ là một cú đỡ, một đòn bẩy rất lớn cho khu vực bất động sản nghỉ dưỡng, trong bối cảnh thị trường này đang bị ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh Corona trên phạm vi toàn cầu”, ông Khương nhận định.
Về cơ bản theo ông Khương, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hoạt động dựa trên hai nguồn thu nhập chính, 1 là bán biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ nghỉ dưỡng, và thứ 2 là từ các hoạt động, dịch vụ giải trí ở các dự án này.
Trong thời điểm này, sự sụt giảm từ doanh thu của dịch vụ nghỉ dưỡng, chủ đầu tư sẽ tận dụng lợi thế từ việc người mua được quyền sở hữu sổ đỏ, sổ hồng trên tài sản sở hữu, để kích thích nhu cầu của người mua, từ đó bảo toàn được số vốn đầu tư ban đầu.
Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vị chuyên gia Savills cho rằng đây cũng được coi là một động thái tích cực, trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý hay hạn chế trong nguồn cung. Họ cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình tài sản mới như biệt thự second home, condotel hay officetel.
“Từ việc hỗ trợ được các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nhóm đối tượng có liên kết ngành mạnh với trên 50 ngành nghề liên quan: ngân hàng, xây dựng, vật liệu máy móc, du lịch…, một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng sẽ từ đó được hưởng lợi”, ông Khương nhận định.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định tích cực từ văn bản 703 của Bộ TN và MT với thị trường.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng việc cấp sổ cho condotel thể hiện việc cơ quan chức năng đã lắng nghe đề xuất của giới doanh nghiệp.
Ông Nam nhấn mạnh sau quyết định này, thị trường bất động sản nói chung, và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, một số chuyên gia lại cho rằng không quá lạc quan tới mức có thể cứu thị trường như nhiều người nhận định.
Ông Đặng Văn Quang, chuyên gia bất động sản, Giám đốc JLL tại Việt Nam cho rằng, việc cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản với những căn hộ du lịch (condotel) theo nội dung của văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ mới được ban hành sẽ hỗ trợ tốt cho những căn hộ ở những vị trí đắc địa, được quản lý - khai thác một cách chuyên nghiệp bởi các đơn vị có năng lực, minh bạch.
“Công văn này sẽ giúp các chủ sở hữu thứ cấp dễ dàng vốn hoá được dòng tiền lợi nhuận ổn định của họ. Thị trường dành cho các condotel này sẽ phát triển ổn định hơn. Hầu hết sản phẩm này nằm ở trung tâm các thành phố lớn, nơi mà nhu cầu thuê rất ổn định - trong đó bao gồm các sản phẩm căn hộ dịch vụ (Serviced Apartment) ở các vị trí đắc địa, được quản lý chuyên nghiệp”, ông Quang nhận định.
Theo vị này, văn bản hướng dẫn nêu trên của Bộ TN và MT sẽ hỗ trợ tốt cho các sản phẩm đã tốt sẵn (về vị trí, về khai thác, quản lý...) nhưng nó không thể giải cứu được hầu hết thị trường đã được đầu tư và quản lý một cách dễ dãi trong thời gian qua.
Bởi theo phân tích của vị chuyên gia này, condotel hiện đang mang trong mình loại virus mang tên “cam kết lợi nhuận”. Do vậy muốn “điều trị" được cần buộc các bên phải thực hiện cam kết này hoặc là tìm ra biến nó trở thành “đơn vị ở” - hay nói cách khác là công nhận nó trở thành căn hộ ở thông thường và được áp dụng Luật Nhà ở.
Nguyễn Mạnh