Bộ Xây dựng: Tránh đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ thủ tục dự án bất động sản

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa đề nghị các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản, đánh giá cụ thể nguyên nhân đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương nhưng chưa hoặc chậm triển khai.

Trong báo cáo vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021. Điều này khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, 2022 vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và buộc phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý.

Cụ thể, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn hay IPO; có tập đoàn giảm 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn.

Bộ Xây dựng: Tránh đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ thủ tục dự án bất động sản - 1

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề xuất phương án điều hành trần (room) tín dụng phù hợp (Ảnh: DT).

Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn vì tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng đều khó...

Để tháo gỡ nguồn cung, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt đề xuất, kiến nghị.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.

Liên quan tới các dự án bất động sản gặp khó khăn, Bộ Xây dựng đề nghị Thanh tra Chính phủ, UBND các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện ngay các kết luận thanh tra, kiểm tra, đồng thời phân rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện.

Các địa phương cần rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh các địa phương cần đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. 

Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản và hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Đồng thời, Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề xuất phương án điều hành trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế, ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm