Bộ trưởng Xây dựng: Giá bất động sản tăng chậm dần và có dấu hiệu chững lại

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I năm nay, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng của quý II.

Nguồn cung chưa được cải thiện, giá tăng "nóng" rồi có dấu hiệu chậm lại

Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì chiều nay (14/7), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo một số nội dung đáng chú ý trên thị trường bất động sản.

Trong đó, một vấn đề được thị trường rất quan tâm là nguồn cung nhà ở thương mại vẫn chưa có sự cải thiện. Cụ thể, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, năm 2021 có 172 dự án hoàn thành với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 42% số lượng so với năm 2020.

Còn trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành vẫn hạn chế với khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Còn với nguồn cung nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng.

Bộ trưởng Xây dựng: Giá bất động sản tăng chậm dần và có dấu hiệu chững lại - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày báo cáo về thị trường bất động sản (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, theo Bộ Xây dựng, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 1 dự án, với quy mô khoảng 400 căn hộ, tổng diện tích là 21.500 m2.

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, các kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và nửa đầu năm nay vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu.

Về lượng giao dịch bất động sản: Năm 2021 có khoảng 110.000 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tại các dự án (gần tương đương lượng giao dịch năm 2020 là khoảng 115.000 giao dịch), nhưng lượng giao dịch đất nền tăng mạnh, tổng lượng giao dịch đất nền trong năm khoảng 170.000 giao dịch.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Thông tin về giá giao dịch bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, năm 2021, giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, "sốt giá" đất nền tại một số địa phương.

Còn trong 6 tháng đầu năm nay, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.

Về lượng tồn kho bất động sản, Bộ trưởng cho biết, còn khoảng 2.300 căn nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn đọng, chưa có giao dịch vào cuối năm 2021, ít hơn nhiều so với năm 2020 là khoảng 9.000 căn.

Trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung nhà ở hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao, theo đó, các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.

Thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

Bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Nghị cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản hiện đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh nổi lên.

Cụ thể như hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi như: hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại bất động sản mới, bất động sản hỗn hợp, đa chức năng...

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, việc lập và phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.

"Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất. Theo thông tin của HoREA, TPHCM có khoàng 126 dự án", ông Nghị nói.

Bộ trưởng cũng chỉ ra, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại Hà Nội, TPHCM hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 triệu đồng/m2.

"Các sàn giao dịch bất động sản hình thành, hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu ổn định; chưa đảm bảo kiểm soát đầy đủ được thông tin, tính pháp lý trong giao dịch bất động sản", ông Nghị cho hay.

Đáng chú ý, theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt, một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề "môi giới" bất động sản tự do không có chứng chỉ hành nghề.

Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản chưa đầy đủ, hoàn chỉnh; việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến thị trường bất động sản chưa được thường xuyên, liên tục và đầy đủ dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường.

Đáng chú ý theo Bộ trưởng, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại một số địa phương còn tồn tại, bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kiên quyết; công tác thông tin, công khai minh bạch quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời.

"Chính sách thuế đối với việc sử dụng bất động sản và hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản chưa phân biệt được giữa người sử dụng và đối tượng đầu tư, kinh doanh, chưa hạn chế được hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế như một số vụ việc vừa qua", ông Nghị nêu loạt vấn đề bất cập.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, trong đó, có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản; tiếp đến là cơ cấu lại tín dụng; kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường.

Song song với kiểm soát, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Bộ trưởng Nghị cũng đồng tình việc nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.

Để tránh tình trạng đồn thổi nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp, Bộ trưởng Nghị nhấn mạnh đến giải pháp công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính tại địa phương.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng, thị trường bất động sản và quản lý đất đai tại các địa phương để có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, không được đầu tư hạ tầng, chưa được phép đầu tư; tăng cường kiểm soát hoạt động các sàn giao dịch bất động sản, các hoạt động môi giới bất động sản để kịp thời chấn chỉnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm