Dấu hiệu mới trên thị trường bất động sản

Hà Phong

(Dân trí) - Mặc dù nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng giá các phân khúc bất động sản vẫn liên tục tăng. Tuy vậy, tính thanh khoản kém đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bong bóng.

Nguy cơ bong bóng bất động sản

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản liên tục tăng thời gian qua do tốc độ đô thị hóa nhanh tại các địa phương cộng với kỳ vọng vào gói kích cầu của Chính phủ, khiến thị trường nhà đất nhiều nơi thiết lập mặt bằng giá mới.

Còn theo DKRA Vietnam, dù giá chào bán vẫn tăng nhưng thanh khoản đất nền thứ cấp tại TPHCM và các tỉnh giáp ranh đã sụt giảm từ tháng 4 đến nay, phần lớn đến từ động thái siết chặt tín dụng, kể cả những dự án đã có sổ từng nền.

Trong tháng 4, lượng quan tâm đến bất động sản, đại diện cho nguồn cầu, đã giảm 14% so với tháng liền trước. Trong đó, mức độ quan tâm so với tháng 3 ở phân khúc đất nền giảm 18%, nhà riêng giảm 12% và căn hộ chung cư giảm 10%.  

Dấu hiệu mới trên thị trường bất động sản  - 1

Sau thời gian "nóng sốt", đất nền phân lô ở các huyện ven Hà Nội đang rơi vào tình trạng bỏ hoang, thanh khoản kém (Ảnh: Hà Phong).

Đơn vị nghiên cứu thị trường này cũng dự báo, nguồn cung và sức cầu trong tháng tiếp theo sẽ tiếp tục giảm trên toàn thị trường. Giá bán thứ cấp căn hộ tại thị trường TPHCM trong tháng 5 duy trì xu hướng đi ngang với mức thanh khoản sụt giảm đáng kể, phần lớn đến từ việc các hồ sơ vay mua nhà không được ngân hàng phê duyệt giải ngân trong tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, những biến động về giá cả vật liệu đầu vào đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của những nhà thầu xây dựng. Điều này cũng đẩy giá bán bất động sản tăng cao, nhưng thanh khoản lại tỷ lệ nghịch.

Đơn cử, 4 tháng đầu năm nay, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tiếp tục có xu hướng tăng 2 - 3%, nhưng lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 45% so với quý IV/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Do vậy, nếu không kiểm soát, thị trường dễ xảy ra bong bóng bất động sản.

"Bơm tiền" cho doanh nghiệp có năng lực

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá vai trò của thị trường bất động sản, để lĩnh vực này luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển trong dài hạn. Đồng thời, giám sát để thị trường bất động sản phát triển bền vững, hạn chế tình trạng đầu cơ, phát triển thiếu quy hoạch, tạo "sốt đất" ảo...

Dấu hiệu mới trên thị trường bất động sản  - 2

Cần kiểm soát thị trường theo hướng tích cực (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Ông Thịnh nhận định, các dự án bất động sản sử dụng vốn lớn, nên nếu bị ngưng lại, không triển khai được đúng tiến độ, thị trường bị nghẽn lại, rủi ro sẽ cao. Do đó, cần đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, sớm tạo nguồn cung ra thị trường. 

"Việc kiểm soát giá bất động sản là cấp thiết, nhưng vẫn cần cung cấp nguồn vốn vay cho thị trường bất động sản theo hướng chọn lọc phù hợp", ông Thịnh nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, giải pháp kiểm soát giá bất động sản và hỗ trợ phát triển nhà ở đang được Bộ Xây dựng quan tâm. Trong đó, Bộ này đề xuất hỗ trợ trực tiếp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân có nhu cầu có thể vay mua, thuê nhà; đồng thời, hỗ trợ vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ thông qua gói hỗ trợ giảm 2% lãi vay ngân hàng thương mại. Để các chính sách hỗ trợ này nhanh chóng đi vào cuộc sống, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhanh các dự án nhà ở, phải có nguồn cung bán cho người có nhu cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đầu tư. 

Phát biểu trong một hội thảo về bất động sản mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11%. Vì vậy, ông Chi cho rằng cần phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản...) đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm