Bỏ phố về quê: Xu hướng thế giới mùa Covid-19

Dịch Covid-19 khiến không ít người mất việc, các DN lao đao. Những thành phố lớn đông đúc - là nơi mà người ta cạnh tranh để sống và làm việc, giờ lại trở thành nơi nhàm chán và lo ngại.

Bỏ phố về quê: Xu hướng thế giới mùa Covid-19 - 1

Nông thôn thanh bình tại Nhật.

Chính vì vậy, xu hướng chán Thủ đô về quê đang nổi lên trên thế giới

Philippines

Lượng người nhập cư cuồn cuộn đổ về Thủ đô khiến hệ thống giao thông, y tế và các dịch vụ khác của Thủ đô Manila bị quá tải. Từng được mệnh danh là “một trong những địa điểm đông đúc nhất thế giới” và giờ đây Chính phủ nước này đã phải có động thái để thay đổi tình thế, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19.

Theo Bộ Lao động Philippines, Thủ đô Manila có tới hơn 13 triệu dân và chiếm khoảng 2/3 tổng số ca nhiễm trên toàn quốc. Vì thế, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người dân chuyển ra sinh sống tại khu vực khác.

Nhằm thu hút người dân Philippines chuyển về các vùng nông thôn sinh sống, Chính phủ ra quyết định “Những người dân chuyển ra khỏi vùng Thủ đô sẽ được nhận một khoản tiền 110 nghìn Peso (tương đương khoảng 50 triệu VNĐ) cùng với hiện vật”. Đây là biện pháp phát tiền và hiện vật là nỗ lực mạnh mẽ nhất trong mấy chục năm trở lại đây, Gần 60 nghìn người đã nộp đơn nhận hỗ trợ này, kể từ giữa tháng 3.

Để công bằng, Chính phủ ưu tiên những người thất nghiệp, không có nơi ở và sống trong những khu vực bị dịch Covid-19 nặng nhất tại Thủ đô.

Tuy nhiên, nhiều người còn ngần ngại bởi nếu về nông thôn, sẽ rất khó có một cuộc sống tiện nghi bởi nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Trước tình hình đó, Chính phủ có kế hoạch hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn. Ngoài ra, Chính phủ cũng có quyết định, rằng nếu các DN chuyển ra ngoại thành thì cũng được hưởng những cơ chế ưu đãi nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho những DN này.

Anh Quốc

Thủ đô London hoa lệ thường ngày nhưng trong mùa Covid-19, nơi đây chìm trong mùi hôi thối của chất thải sinh hoạt không được xử lý. Người dân đã quá quen thuộc với phố phường sạch sẽ, rác thải thu gom chỉn chu, nay tình hình này làm họ căng thẳng và chán ngán.

Trụ một thời gian đầu dịch bệnh, họ cũng như bao người có suy nghĩ chủ quan về dịch bệnh “chắc sẽ sớm qua thôi. Giống cúm mùa ý mà”. Nhưng mà thực tế đã phũ phàng hơn rất nhiều, trước tình thế đó, rất nhiều người đã bỏ phố về nông thôn để tìm lại bầu không khí thoáng đãng, trong lành.

Theo đại diện tập đoàn BĐS Savills chi nhánh ở Anh, xu hướng người dân về quê tăng nhanh kể từ khi dịch bệnh diễn ra cùng những lệnh đóng cửa.

Thực tế những người dân nước này có đời sống cao, họ thường có BĐS ở vùng thôn quê để nghỉ dưỡng và họ chỉ về đó với những kỳ nghỉ đặc biệt. Thế nhưng giờ đây họ chuyển về đó với ý định lâu dài. Tại đây họ sống an bình và an toàn hơn. Những khu vườn xanh mướt với không gian thoáng đãng đã thu hút một lượng lớn dân thủ đô về đây.

Nhật Bản

Xu hướng chuyển về ở những khu vực có núi, biển, nhiều cảnh quan thiên nhiên, xa trung tâm cũng đang thấy rõ tại Nhật Bản. Thủ đô Tokyo là siêu đô thị nên không mấy ngạc nhiên khi người ta chán ngán nơi đây và chuyển về nông thôn sinh sống. Ngoài Tokyo, Osaka cũng là thành phố đông dân và đầy rẫy nguy cơ từ dịch Covid-19 nên người ta cũng có xu hướng giống người Thủ đô. Họ muốn chuyển về nông thôn sống an bình.

Khảo sát của Chính phủ Nhật trên 10 nghìn dân ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận bao gồm Kanagawa, Chiba, Saitama đầu năm 2020 cho thấy 50% người muốn chuyển về nông thôn.

So với năm 2018, tỷ lệ này tăng 27%. 55% người muốn chuyển về nông thôn vì "môi trường tự nhiên phong phú", hơn 16% cho biết muốn tìm lại cội nguồn gia đình. Chính phủ Nhật rất ủng hộ việc chuyển từ thành phố về nông thôn. Năm 2018, nước này tuyên bố kế hoạch tài trợ số tiền khá lớn cho người dân Tokyo về quê.

Từ kết quả khảo sát, Chính phủ Nhật dự định thiết lập các website cung cấp thông tin về những vùng đang cần tìm người đến ở cũng như các gói trợ cấp quốc gia và địa phương. Hội đồng ở đảo Kuroshima cho biết nơi này rất hoan nghênh chào đón người tới ở.

Với diện tích 15,37 km2, hòn đảo hiện chỉ còn 111 dân, trong đó có 10 trẻ đang học cấp hai. Đến 15 tuổi, các bé này sẽ phải chuyển đến tỉnh khác để học cấp ba.

Hòn đảo cũng không có khách sạn hay trung tâm du lịch nào. Để thu hút người dân, hội đồng đảo Kuroshima đã đưa ra hệ thống trợ cấp. Mỗi người chuyển đến đảo sẽ nhận 85 nghìn Yên mỗi tháng, chi phí chuyển nhà cũng được chi trả.