1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bắt tay vào cải tạo chung cư cũ, TPHCM gặp một loạt khó khăn, vướng mắc

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời UBND TPHCM về một số đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại TPHCM.

Bắt tay vào cải tạo chung cư cũ, TPHCM gặp một loạt khó khăn, vướng mắc - 1

Chung cư Trúc Giang (quận 4) xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Đại Việt).

Trước đó, UBND TPHCM đề xuất Bộ Xây dựng thống nhất cho phép áp dụng điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 69 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để tiếp tục thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư đã được chấp thuận của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước mà Thành phố đã triển khai thực hiện trước đây.

Cụ thể đó là bồi thường cho người thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tự lo chỗ ở mới bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp tục nộp 40% phần giá trị nhà, đất còn lại cho Nhà nước.

Về đề xuất này, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Nghị định số 69 của Chính phủ. Trong Nghị định này không có quy định về vấn đề mà Thành phố đề xuất nêu trên, vì vậy không có cơ sở để thực hiện theo đề xuất này.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ trước thời điểm Nghị định số 69 có hiệu lực thi hành theo Bộ Xây dựng, được thực hiện theo các giai đoạn khác nhau.

Trong đó có giai đoạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 34/2007 của Chính phủ về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp và pháp luật về đất đai;

Thứ hai là giai đoạn thực hiện theo Nghị định số 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố rà soát, thống kê các trường hợp đã thực hiện bồi thường khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn và đối chiếu với các quy định của pháp luật tại các thời điểm nêu trên để thực hiện.

Bộ Xây dựng cũng đã trả lời liên quan tới đề nghị hướng dẫn hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của TPHCM.

Theo đó, Bộ cho biết hiện nay, theo quy định tại khoản 9 Điều 14 của Nghị định số 69 thì sau khi có phương án bồi thường được phê duyệt, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được các chủ sở hữu lựa chọn làm chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở và quy định tại Nghị định này.

Trong Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời chấp thuận doanh nghiệp đã được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định số 69 có quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị định này. Đối với nội dung liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ này để được hướng dẫn, làm rõ hơn theo thẩm quyền.

Liên quan tới việc xử lý các dự án không thể xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư (theo hình thức quy gom), Bộ Xây dựng cho biết Nghị định số 69 đã quy định cho phép các địa phương thực hiện quy gom các nhà chung cư trên cùng phạm vi địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện để đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội…

Việc quy gom các nhà chung cư được áp dụng trong trường hợp địa điểm có nhà chung cư thuộc diện quy gom nhưng không xây dựng lại nhà ở mà xây dựng các công trình kinh doanh, dịch vụ, thương mại công cộng.

Mặt khác, Nghị định số 69 cũng đã có quy định cụ thể về cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các chủ sở hữu cũng như cơ chế về đất đai cho chủ đầu tư dự án đối với trường hợp quy gom nhà chung cư.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu các quy định của Nghị định số 69 để áp dụng thực hiện.