Bất ngờ với dự báo: Giá BĐS sắp tới sẽ tăng thay vì giảm do Covid-19
(Dân trí) - Làm gì có chuyện bán tháo, cắt lỗ, giá bất động sản sắp tới còn tăng; Bộ Xây dựng gửi thông báo “đòi" nhà công vụ tới 12 cựu quan chức... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Làm gì có chuyện bán tháo, cắt lỗ, giá bất động sản sắp tới còn tăng?
Tại buổi công bố báo cáo quý 1/2020 được tổ chức trực tuyến sáng 22/4, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, mặc dù giao dịch giảm, lượng quan tâm giảm, thị trường chịu nhiều tác động lớn của đại dịch nhưng giá rao bán vẫn “ổn định”.
Trả lời câu hỏi về tình trạng bán tháo, bắt đáy bất động sản thời điểm này, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, thông tin khá bất ngờ: Chúng tôi không nhìn thấy xu hướng “bán tháo”, cắt lỗ. Chúng tôi cũng không nghĩ chủ đầu tư sẽ giảm giá ở giai đoạn này.
Về giá bất động sản, ông Quốc Anh dự báo không chỉ giữ giá trước “cơn bão" Covid-19, bất động sản có khả năng tăng nhẹ.
"Nóng" đòi nhà công vụ: Không thể nể nang, cần biện pháp cứng rắn!
Tuần qua, vụ việc Bộ Xây dựng gửi thông báo “đòi" nhà công vụ tới 12 cựu quan chức thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, không chỉ 1-2 lần, có người nhận thông báo "đòi" đến lần thứ 3 vẫn chưa trả.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu dư luận ồn ào về việc chậm trễ trong nhà trả công vụ sau khi nghỉ hưu. Trước đây, từng có những vụ chây ì trả nhà biệt thự công vụ hao tốn giấy mực của báo chí.
Trao đổi với PV Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bình luận: Không nên để tình trạng này tiếp diễn nữa, cần có biện pháp “cứng rắn" hơn để họ trả lại.
“Muốn thu hồi nhà công vụ cần ra quyết định hành chính, nếu các cựu cán bộ không chịu trả nhà thì ra quyết định cưỡng chế” - ông Võ kiến nghị.
Công ty in sách vốn 18 tỷ đồng “thâu tóm” doanh nghiệp địa ốc nghìn tỷ
Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hoà Phát (mã CK: HTP) đã có tờ trình đại hội cổ đông về phương án chuyển sang đầu tư vào một doanh nghiệp bất động sản có vốn lớn.
Đó là Công ty Hưng Vượng Developer - một công ty địa ốc mới lập có vốn điều lệ lên tới 1.208 tỷ đồng.
Cụ thể, HTP dự kiến mua hơn 50% cổ phần từ cổ đông hiện hữu hoặc mua sơ cấp qua các đợt phát hành mới của Công ty cổ phần Hưng Vượng Developer. Giá trị chào mua 900 tỷ đồng. Công ty cổ phần Hưng Vượng Developer sẽ trở thành công ty con của HTP.
Hiện Hưng Vượng Developer đang sở hữu 60% vốn tại Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Danh Việt - chủ đầu tư của dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Bộ Xây dựng cảnh báo thừa nhà ở trung và cao cấp, “siết” đầu tư mới
Bộ Xây dựng cảnh báo tình trạng nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Do vậy, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Covid-19 có thể kích hoạt làn sóng vỡ nợ BĐS trong vài tháng tới?
Theo ông Nguyễn Minh (Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội), thị trường bất động sản hiện tại chưa thực sự “ngấm đòn” ảnh hưởng chu kỳ khủng hoảng và dịch Covid-19.
“Trong vòng 2-3 tháng nữa, thị trường sẽ thực sự ngấm tác động khủng hoảng chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. Giao dịch không có, sức mua giảm mạnh. Tâm lý xuống tiền đóng băng và dự đoán còn kéo dài. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp địa ốc khó cầm cự để duy trì hoạt động của mình.
Ở thời điểm hiện tại, mức giá bất động sản còn cao. Nhưng với tình trạng này, làn sóng vỡ nợ sẽ xuất hiện sớm. Thời gian tới sẽ có nhiều người bán nhà, bán ô tô vì nợ. Và tình trạng doanh nghiệp địa ốc ồ ạt đẩy hàng và ngân hàng bán nợ xấu bất động sản bất chấp mức giá như giai đoạn năm 2012 có thể xảy ra”.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)