"Bắt mạch" dòng tiền đổ vào đất nền trong 3 tháng tới

Thanh Tâm

(Dân trí) - Dù vẫn là kênh đầu tư giữ "ngôi vương" của thị trường bất động sản, nhưng các chuyên gia dự báo kịch bản sốt đất nền sẽ không diễn ra dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Nhiều yếu tố hỗ trợ dòng tiền

Theo số liệu của DKRA Vietnam, thị trường đất nền đã nhanh chóng sôi động trở lại từ sau khi các yêu cầu giãn cách xã hội được nới lỏng. Nếu như trong tháng 9, phân khúc đất nền dự án tại TPHCM và 5 tỉnh giáp ranh (gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) gần như không có nguồn cung mới, thì bước sang tháng 10, con số này đã tăng lên 649 sản phẩm và lên 671 sản phẩm vào tháng 11. Tỷ lệ tiêu thụ cũng tăng từ 36% của tháng 10 lên 54% của tháng 11.

Thị trường đất nền lẻ trong dân cũng sôi động tại nhiều địa phương khác, từ Bắc vào Nam như Hòa Bình, Thái Nguyên, Huế, Tây Ninh, Lâm Đồng…

Chia sẻ tại Tọa đàm bất động sản do báo điện tử Dân trí tổ chức tối 23/12, với chủ đề: "Giao dịch trở lại, đất nền có sốt giá cuối năm", các chuyên gia khẳng định có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Đầu tiên là đà phục hồi kinh tế - xã hội. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế dẫn số liệu cho thấy, các chỉ số kinh tế - xã hội trên cả nước đã phục hồi 80-85%; nhiều doanh nghiệp tại TPHCM cho biết cũng đã mở lại 90-95% hoạt động so với trước dịch.

Thứ hai là tâm lý đầu tư mang tính mùa vụ. Cuối năm, người ta thường muốn mua một mảnh đất hoặc căn nhà để làm của đề dành sau một năm làm việc. Các nhà đầu tư sau khi kiếm tiền từ chứng khoán hoặc tiền kỹ thuật số… cũng có xu hướng chốt lời vào kênh đầu tư mang tính an toàn hơn là bất động sản.

Thứ ba là lãi suất hiện nay về cơ bản là tương đối thấp. Theo ông Lực, lãi suất cho vay mua nhà hiện phổ biến trong khoảng 9-10%/năm với thời hạn vay 13-15 năm, thậm chí lâu hơn. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn kích cầu ở thời điểm hiện nay đã tung ra những chính sách bán hàng cũng như gói cho vay khá hấp dẫn.

Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cũng đang đề xuất nhiều gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có một số chính sách sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Nổi bật là gói cho vay mua nhà ở quy mô 60.000 - 65.000 tỷ đồng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất, tương tự như gói giải cứu 30.000 tỷ đồng được tung ra hồi 2013.

Gói cho vay với nhà ở xã hội cũng sẽ tiếp tục được triển khai, với lãi suất hiện tại vào khoảng 4,8%/năm. Thị trường này được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến nếu quy định bắt buộc khu công nghiệp phải có nhà ở dành cho công nhân được thông qua.

"Tất cả những yếu tố đó sẽ tác động tích cực đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở và đất nền", ông Lực nói.

Bắt mạch dòng tiền đổ vào đất nền trong 3 tháng tới - 1

UBND huyện Cần Giuộc (Long An) treo bảng thông báo một dự án chưa đủ điều kiện mở bán để cảnh báo nhà đầu tư (Ảnh: Thanh Tâm).

Khó diễn ra sốt đất trên diện rộng

Mặc dù khẳng định, đất nền vẫn là kênh đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng, trong ít nhất 3 tháng tới, sẽ khó có khả năng xảy ra cơn sốt đất trên diện rộng như tình trạng trước năm 2018.

Nguyên nhân, theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam, là do kinh tế và thu nhập của đại đa số người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến thị trường thứ cấp (tức mua đi bán lại) chưa có nhiều sôi động. Thông thường, thị trường thứ cấp nhộn nhịp mới tạo đà cho thị trường sơ cấp (mua lần đầu từ chủ đầu tư).

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, chính quyền các địa phương đã có động thái mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát thị trường, ngăn chặn những thông tin bơm thổi. Chẳng hạn, khi có tin đồn về việc xây dựng sân bay Hớn Quản tạo cơn sốt đất ảo tại Bình Phước hồi đầu năm hay việc giá đất Bình Chánh "nhảy múa" cách đây một tháng trước thông tin nâng cấp huyện này lên quận... chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng lên tiếng, giúp bình ổn thị trường.

"Nếu gọi là sốt đất trên diện rộng hoặc sôi động như những năm trước thì hầu như không có. Sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng xẹp rất nhanh, độ khoảng một tuần đến 10 ngày là hết. Bởi vì những nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông", ông Hoàng phân tích.

Với sự hậu thuẫn từ những yếu tố tích cực ở trên, phân khúc đất nền được dự báo sẽ tiếp đà sôi động của 2 tháng vừa qua, tuy nhiên chưa thể . Sóng đầu tư sẽ tập trung tại những khu vực được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông hoặc những nơi sắp có sự chuyển đổi về mặt đô thị.

"Nhà đầu tư phải cân - đong - đo - đếm cẩn thận, trước khi quyết định đầu tư bất động sản, vì đấy là một tài sản lớn thật sự với mỗi người dân của chúng ta", ông Lực khuyến cáo.

Nói về thời điểm thích hợp để đầu tư, 2 chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư nên dựa vào năng lực tài chính của bản thân, tiềm năng của khu vực, đặc biệt là sự thay đổi của hạ tầng hay định hướng quy hoạch của nhà nước.... Thời điểm đầu tư tốt nhất là khi người mua đã chuẩn bị sẵn về mặt ngân sách tài chính, có đầy đủ thông tin về dự án hoặc khu vực mà mình dự định "xuống tiền". Khách hàng cũng nên hết sức cẩn thận với tâm lý đầu tư theo đám đông, tránh đầu tư vào những dự án mà chủ đầu tư chưa hoàn thiện về pháp lý, hạ tầng... để hạn chế rủi ro.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm