Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vùng duyên hải Bắc Bộ khởi sắc
(Dân trí) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vùng duyên hải Bắc Bộ khởi sắc với nhiều xung lực phát triển.
Nhiều xung lực phát triển
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2021, hầu hết dự án bất động sản trên cả nước đều đã phải dừng xây dựng thi công vì chỉ thị giãn cách và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng được xem là phân khúc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi gần như bị "đóng băng" trong suốt hai năm qua.
Đơn cử như "thủ phủ" du lịch Đà Nẵng, vốn được mệnh danh là địa điểm phát triển du lịch hàng đầu của cả nước, song dưới sự tác động của làn sóng Covid-19, thị trường này gần như nằm im, tăng trưởng kinh tế âm.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trầm lắng, duyên hải Bắc Bộ lại nổi lên như một điểm sáng, nổi bật là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
Tại hội thảo Xung lực thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vùng duyên hải Bắc Bộ vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý đều nhận định, duyên hải Bắc Bộ là khu vực sở hữu nhiều xung lực về tự nhiên, tiềm năng kinh tế, thương mại và du lịch. Đây là khu vực có các tỉnh thành đang trong thời kỳ đầu tư phát triển về kinh tế, công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao và được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai thác kinh doanh, thương mại và du lịch.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, duyên hải Bắc bộ là một khu vực sở hữu nhiều lợi thế phát triển. Trong đó nổi bật là lợi thế cho sự phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Ở đây có sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố như vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử, hạ tầng giao thông.
"Sự phát triển về hạ tầng, giao thông đang là lực đẩy lớn nhất cho việc kết nối các vùng miền trong cả nước, giúp thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế", ông Thiên đánh giá.
Điểm sáng Quảng Ninh
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - Quảng Ninh là địa phương nổi bật trong mảng bất động sản bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với gần 17.200 sản phẩm. Với các tuyến đường cao tốc, du khách chỉ cần chưa đến 2 tiếng để đi từ trung tâm Hà Nội đến Quảng Ninh. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng được đánh giá là tam giác kinh tế năng động và nổi bật của nước ta.
Với bề dày văn hóa lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên được ưu đãi, du khách có thể tìm thấy nhiều hình thức du lịch hấp dẫn như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa…
"Quảng Ninh vẫn còn dư địa để phát triển ngành du lịch cũng như mảng bất động sản du lịch trong tương lai gần", ông Đính nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - nhấn mạnh xung lực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Quảng Ninh đến từ những sáng kiến huy động nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, tạo đẳng cấp khác biệt cho tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng khẳng định, Quảng Ninh là tỉnh không cần xin Trung ương tiền mà chỉ cần xin cơ chế. Đây là tỉnh đầu tiên tự làm cao tốc, chứng tỏ Quảng Ninh đang có một nguồn lực, xung lực rất lớn.
Cũng theo ông Thành, Quảng Ninh lấy du lịch làm mũi nhọn nhưng trong hai năm vừa qua tăng trưởng kinh tế vẫn dương, chứng tỏ tỉnh có các chính sách phát triển đúng đắn, "trọng tâm nhưng không phụ thuộc".
"Quảng Ninh đang là tỉnh có sự quy hoạch bài bản nhất và sắp tới Quảng Ninh sẽ tiếp tục công tác quy hoạch. Điều này sẽ đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không chỉ gắn liền với hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, mà còn gắn liền với nhu cầu sở hữu các sản phẩm bất động sản du lịch. Du lịch còn gắn liền với các hoạt động tâm linh, chăm sóc sức khỏe.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết trong thời gian tới, các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường đặc thù này.