Quảng Ninh cần làm gì để tránh "quá tải vào mùa hè, vắng vẻ vào mùa đông"?
(Dân trí) - Theo nhiều chuyên gia để khắc phục yếu tố thời vụ, Quảng Ninh cần tạo ra các sản phẩm du lịch 4 mùa, phát huy vai trò của các tập đoàn chiến lược tạo sự đột phá, thay đổi bộ mặt du lịch.
Cùng với Phú Quốc (Kiên Giang), vài năm trở lại đây Quảng Ninh nổi lên như thiên đường du lịch, là điểm đến yêu thích của khách trong nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, phụ thuộc yếu tố thời tiết nên du lịch Quảng Ninh mang tính thời vụ, chủ yếu hút khách vào mùa hè trong khi mùa đông, lượng khách du lịch vắng. Đây là thách thức với Quảng Ninh trong việc đặt mục tiêu trở thành "thiên đường du lịch" hàng đầu Việt Nam.
Tại Hội nghị Phát động mở lại hoạt động du lịch ngày 22/3 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở cửa du lịch là "thời cơ vàng" để du lịch Quảng Ninh bắt cơ hội, tạo sự bứt phá thay đổi diện mạo so với các điểm đến khác trong cả nước.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, Quảng Ninh có nhiều cảnh quan có một không có hai, nhất là biển, với hơn 2077 hòn đảo lớn nhỏ.
Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc, là cửa ngõ giao thương quan trọng, sôi động giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. Đặc biệt, vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới và được vinh danh là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Các sản phẩm du lịch của địa phương cũng ngày càng được đầu tư, nâng cao chất lượng, xứng tầm đẳng cấp như: Sản phẩm Khoáng nóng Osen Quang Hanh, Khu dịch vụ nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, Khu phức hợp Sun World Hạ Long, Vinpearl Hạ Long...
Theo ông Văn đây là những lợi thế rất lớn, giúp Quảng Ninh nắm lấy cơ hội bứt phá hậu Covid-19.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết để đạt được mục tiêu về lượng khách cũng như thành thiên đường du lịch hàng đầu, mục tiêu của tỉnh thời gian tới sẽ là phát triển du lịch bốn mùa.
Thừa nhận tính thời vụ là khó khăn lớn với du lịch Quảng Ninh, tuy nhiên, vị lãnh đạo này khẳng định sẽ biến điều này thành lợi thế.
Cụ thể, thay vì tìm cách kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Quảng Ninh sẽ tạo ra được trải nghiệm riêng cho mỗi mùa, tăng tần suất du lịch của du khách.
"Làm mới sản phẩm và làm sản phẩm mới là hai mục tiêu lớn nhất của du lịch Quảng Ninh sau mở cửa. Những trải nghiệm truyền thống như nghỉ dưỡng, tắm biển sẽ được tạo sức hút bằng việc đưa thêm hoạt động khám phá, thể thao.... Tỉnh cũng sẽ tập trung vào nghỉ dưỡng cao cấp cùng những sản phẩm có tính trải nghiệm như du lịch miền biên giới để hút khách quanh năm, không để yếu tố mùa vụ ảnh hưởng", ông Thủy nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến cho việc phát triển du lịch Quảng Ninh, bà Trần Nguyện - Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Sun Group cho rằng, muốn Quảng Ninh trở thành kỳ quan bốn mùa, để du khách đến Quảng Ninh không chỉ nghỉ hè mà còn nghỉ đông, nghỉ thu, nghỉ xuân… cần có thêm những sản phẩm để phát huy lợi thế của thiên nhiên, để khắc phục yếu tố mùa vụ. Và hệ sinh thái du lịch chính là chìa khóa.
Lấy ví dụ từ chính những sản phẩm đơn vị mình, bà Nguyện cho biết, cần tạo ra một chuỗi trải nghiệm khép kín đầy đủ nhất từ: Hạ tầng sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đón tiễn khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và sau này là mua sắm, tắm biển để du khách có thể tận hưởng trọn vẹn không gian dịch vụ đẳng cấp.
"Ở giai đoạn bình thường mới, chúng tôi cho rằng, điểm mấu chốt để giúp du lịch phục hồi là làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là nâng cao trải nghiệm của du khách, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số…", bà Nguyện nhấn mạnh.
Đồng ý phải tạo ra các sản phẩm du lịch mới mẻ, PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, Quảng Ninh đã chuẩn bị điều kiện du lịch 4 mùa khá tiên phong so với nhiều nơi, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Đây là cách tiếp cận mới cho du lịch Việt Nam.
Thời gian qua, du lịch Quảng Ninh cũng thay đổi "diện mạo" nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp đầu đàn từ sân bay Vân Đồn, các tuyến đường cao tốc, các dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp…Thời gian tới Quảng Ninh cần tận dụng thế mạnh này, để đầu tư thêm về mặt xúc tiến, quảng bá.
Ông Thiên cũng cho rằng, Việt Nam đi sau thế giới trong nhiều loại hình du lịch, kể cả việc phát triển kinh tế đêm. Vì vậy, cần khắc phục được khoảng trống "đáng sợ" này mới mong hút khách, tạo đà phát triển du lịch.
"Quảng Ninh và doanh nghiệp đang làm rất tốt, tuy nhiên cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Trung ương và các địa phương khác, để tạo nên các tour tuyến, nhất là mùa hè tới đây. Sang mùa đông thì cần chuẩn bị thêm - tắm khoáng nóng onsen, casino hay kinh tế ban đêm…
Lúc này cần có những chính sách khuyến khích các loại hình du lịch này tích cực hơn", ông Thiên nói.