8 kinh nghiệm xương máu cho ai sắp kinh doanh homestay

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Nên chọn vị trí xây dựng homestay không quá xa trung tâm, tối ưu thiên nhiên sẵn có… là những lời khuyên của chị Đặng Thanh Nhàn, chủ của 3 homestay, dành cho những ai muốn kinh doanh loại hình này.

"Nếu bạn muốn có một căn nhà ngoại ô để cho gia đình nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần và kết hợp khai thác vận hành homestay, resort, dưới đây là những lưu ý để bạn có thể khai thác, vận hành mô hình kinh doanh hiệu quả mà tối ưu dành cho gia đình", chị Đặng Thanh Nhàn chia sẻ. 

Chị Nhàn hiện là chủ của 2 resort ở Sapa và 1 homestay ở ngoại thành Hà Nội. Chị còn là nhà sáng tạo nội dung trên nhiều nền tảng mạng xã hội với lượng lớn người theo dõi. 

Dưới đây là lời khuyên của chị đối với những người muốn biến căn nhà ở vùng ngoại ô thành một homestay để kinh doanh. Những lời khuyên này được chị đưa ra dựa trên trải nghiệm cá nhân đúc rút được từ việc kinh doanh loại hình này.

Xác định rõ trọng tâm 

Người có ý định khởi nghiệp, đầu tư xây dựng homestay cho gia đình ở và kết hợp kinh doanh cần xác định rõ mục đích trọng tâm là để gia đình nghỉ dưỡng, còn mục đích khai thác cho thuê chỉ là để tối ưu chi phí thường xuyên.

Ngoài ra, việc vận hành này cũng là cách giúp chủ nhân tuyển người chăm nhà, dọn dẹp nhà cửa để nhà luôn sạch sẽ, không hư hỏng.

Đừng chọn vị trí quá xa trung tâm

Tiếp theo, chủ nhân nên lựa chọn khu vực ngoại ô có mật độ dân cư không quá thưa thớt, đường xá không quá khó để di chuyển.

Bởi nếu vị trí quá xa thì chi phí xây dựng sẽ tăng cao do việc vận chuyển vật liệu xây dựng khó khăn. Ngoài ra, nếu lựa chọn khu vực quá vắng vẻ sẽ dẫn đến tâm lý ngại trở về và việc dẫn đường cho khách cũng gặp nhiều bất cập.

8 kinh nghiệm xương máu cho ai sắp kinh doanh homestay - 1

Những kinh nghiệm làm homestay được chị Đặng Thanh Nhàn đúc rút sau quá trình triển khai thực tế (Ảnh: TN).

Chú ý các vấn đề như lưới điện, nguồn nước, an ninh khu vực

Đừng quên lưu ý những vấn đề liên quan đến điện lưới, nguồn nước, an ninh khu vực vì đây là những yếu tố quan trọng trong khâu vận hành.

Vấn đề quy hoạch cảnh quan 

Khi quy hoạch cảnh quan, tốt nhất nên tôn trọng, tối ưu thiên nhiên sẵn có, giữ được càng nhiều hệ cây lớn càng tốt. Hãy quy hoạch vườn cây, ao cá hợp lý. Hãy đảm bảo nhà ở cách khu vực trồng trọt, chăn nuôi một khoảng cách vừa đủ để không ảnh hưởng bởi mùi do các hoạt động này gây ra.

Chọn phong cách hợp lý

Chủ nhân nên lựa chọn phong cách cho ngôi nhà theo kiến trúc bản địa sẵn có để tối ưu nhân công, chi phí xây dựng.

Tối ưu tiện nghi

Vì đây là ngôi nhà cho gia đình sử dụng và cả đón khách nên hãy tối ưu tiện nghi để mùa đông ấm, mùa hè mát và hạn chế tối đa côn trùng. Nhà phải có không gian kho chứa để lưu trữ đồ vải, dụng cụ khoa học.

8 kinh nghiệm xương máu cho ai sắp kinh doanh homestay - 2

Kinh doanh homestay thực chất không hề đơn giản (Ảnh: TN).

Kinh nghiệm thiết kế vườn

Vườn nên có mùa nào thức nấy, bổ sung đất màu. Nếu làm được khu vực nuôi trùn quế là tốt nhất cho việc trồng trọt, chăm bón phân hữu cơ.

Vấn đề quản gia

Con người là yếu tố quan trọng nhất giúp việc vận hành homestay trơn tru. Hãy tìm quản gia là cặp vợ chồng vì họ sẽ gắn bó lâu dài.

Ngoài ra, nên tìm những nhân sự chuyên nghiệp, có kinh nghiệm làm khách sạn để đào tạo kỹ năng buồng phòng, ẩm thực, kỹ năng chăm sóc, đón tiếp khách hàng. Hãy đảm bảo chất lượng dịch vụ tuy tình cảm, gần gũi nhưng phải chuyên nghiệp, tinh tế từ những khâu nhỏ nhất.

Nếu có một ngôi nhà mà chính bạn cũng mong ngóng được trở về, thì đó chính là nơi chốn mà bất cứ gia đình, khách hàng nào đến một lần cũng muốn quay trở lại.