10.000 nam giới tranh nhau thanh gỗ thiêng trong lễ hội khỏa thân ở Nhật

Hoàng Linh

(Dân trí) - Vì Covid-19, một trong những lễ hội quan trọng nhất tháng 2 của Nhật Bản là Saidaiji Eyo (hay còn gọi là Hadaka Matsuri) buộc phải thay đổi truyền thống

Một trong những lễ hội Nhật Bản được biết đến nhiều nhất trên thế giới đồng thời có phần kỳ lạ phải kể tới lễ hội Hadaka Matsuri. Lễ hội có lịch sử hơn 500 năm, được tổ chức vào thứ Bảy thứ ba của tháng hai hàng năm tại đền Saidaiji, thành phố Okayama.

Là lễ hội khỏa thân lớn nhất Nhật Bản, lễ hội Saidaiji Eyo quy tụ khoảng 10.000 nam giới mặc trang phục duy nhất là khố trắng và đi tất tabi. Những người mặc trang phục như vậy được gọi là hadaka, nghĩa là khỏa thân.

10.000 nam giới tranh nhau thanh gỗ thiêng trong lễ hội khỏa thân ở Nhật - 1

Hadaka Matsuri là lễ hội khỏa thân lớn nhất Nhật Bản. Ảnh: Japan-magazine

Đám đông tranh nhau hai chiếc gậy thiêng có tên shingi - vật mang lại may mắn và hạnh phúc được một thầy tế của ngôi đền ném xuống từ trên cao. Những người bắt được cây gậy sẽ được gọi là fuku-otoko - nghĩa là người đàn ông may mắn của năm.

Là một trong những lễ hội Nhật được biết đến nhiều nhất trên thế giới, ngày càng nhiều người nước ngoài đăng ký tham gia Hadaka Matsuri trong những năm gần đây.

10.000 nam giới tranh nhau thanh gỗ thiêng trong lễ hội khỏa thân ở Nhật - 2

Đám đông nam giới tranh giành chiếc gậy thiêng shingi để cầu may. Ảnh: Japan-magazine

Tập tục ném gậy thiêng xuống cho đám đông bắt nguồn từ năm 1510, khi vị trụ trì của ngôi chùa khi đó là Shonin Chua phát những vật may mắn cho người dân đến viếng. Lượng người đến xin vật cầu may ngày càng nhiều dẫn tới vị trụ trì phải chọn cách ném chúng từ trên cao xuống cho đám đông bên dưới.

Theo thời gian, vật cầu may chuyển từ những lá bùa giấy sang thanh gỗ thiêng. Đám đông tham gia cũng chọn cách khỏa thân để dễ dàng di chuyển và giành vật cầu may hơn.

10.000 nam giới tranh nhau thanh gỗ thiêng trong lễ hội khỏa thân ở Nhật - 3

Không khí trong lễ hội đầy sức nóng bất chấp thời tiết giá lạnh. Ảnh: Japan-magazine

Mỗi năm, những cây gậy shingi được lấy từ những cây gỗ thiêng và được làm lễ cầu nguyện trong hai tuần. Những người tham dự trong lễ hội với nhiều mong ước khác nhau, từ mong sức khỏe cho bản thân và gia đình, cho tới những mong ước cho tương lai của con cái. Họ thường đi theo nhóm, như nhóm bạn học hoặc đồng nghiệp. Nam giới từ độ tuổi trung học có thể đăng ký tham gia lễ hội, ngoài trừ những người có hình xăm.

Đám đông nam giới tụ tập tại ngôi đền vào tối ngày diễn ra lễ hội, hô vang khẩu hiệu khi bước vào ngôi đền. Trước khi tiến vào gian thờ chính, đám đông phải thực hiện nghi lễ thanh tẩy trong nước lạnh.

10.000 nam giới tranh nhau thanh gỗ thiêng trong lễ hội khỏa thân ở Nhật - 4

Nam giới tham gia lễ hội trong trang phục đóng khố. Ảnh: Deepjapan

Tới khoảng 21h, sảnh chính ngôi đền chật cứng bởi đám đông tham gia lễ hội. Nghi thức ném hai chiếc gậy thiêng shingi bắt đầu vào khoảng 22h và cũng là lúc lễ hội lên tới đỉnh điểm. Đèn trong sảnh chính được tắt. 100 chiếc gậy cỡ nhỏ có tên kushigo được ném xuống cho đám đông. Tiếp theo, trụ trì ngôi đền ném cặp gậy shingi xuống cho đám đông bên dưới và đám đông bắt đầu chen lấn, tranh giành để bắt được chiếc gậy thiêng trong khoảng 2 giờ.

Lễ hội khỏa thân còn có sự tham gia của các em nhỏ và nữ giới. Trước đó, vào khoảng 16h, Shonen Hadaka Matsuri - tức lễ hội khỏa thân cho các nam sinh tiểu học được tổ chức cho học sinh thuộc các trường học địa phương. Vào khoảng 19h, những màn trình diễn trống taiko để làm nóng bầu không khí được trình diễn bởi các phụ nữ. Sau đó là màn trình diễn pháo hoa trước khi hoạt động chính là tranh giành hai chiếc gậy thiêng shingi bắt đầu.

Tuy nhiên, năm 2021 là lần đầu tiên lễ hội này buộc phải thay đổi phương thức thực hiện truyền thống. Những đám đông không còn, thay vào đó là phần nghi thức được giản lược tối đa để vẫn giữ được tinh thần của Hadaka Matsuri, trong khi đảm bảo các biện pháp giãn cách và phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của chính phủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm