Hồi âm:

Yêu cầu báo cáo Thủ tướng việc triển khai xây dựng công viên Cầu Giấy

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí có loạt bài phản ánh tình trạng thả cửa “xẻ thịt” công viên Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc giải quyết vụ việc. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể vụ việc này.

Văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội

Văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội

Như thông tin báo Dân trí đã đưa tin, Dự án đầu tư xây dựng khu công viên điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy (Công viên Cầu Giấy) rộng gần 40ha, tiếp giáp với mặt đường Phạm Hùng, giao cắt giữa quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.

Từ mặt đường Phạm Hùng nhìn vào thì đây là một khu đất trống, cỏ dại um tùm, nhưng thực chất, công viên Cầu Giấy đang bị chiếm dụng trở thành nơi cư trú bất hợp pháp và địa điểm kinh doanh của nhiều hộ dân. Nằm giữa công viên là một con đường đất chạy cắt ngang, điều đáng nói là hai bên đường mọc lên nhiều ngôi nhà tạm, được làm bằng tôn và có nhiều ngõ ngách dẫn tới các kho chứa đồng nát.

Những hộ dân này, đang chiếm dụng phần đất của dự án, nhưng dường như họ “nghiễm nhiên” coi đó là đất của cá nhân. Mọi hoạt động kinh doanh cho đến sinh hoạt hàng ngày như trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm đều diễn ra một cách công khai, giống như những cụm dân cư khác trên địa bàn.

Vì cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nên các hộ dân “thừa cơ” kéo đến công viên Cầu Giấy làm nhà ngày càng đông, mà không hề thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, dẹp bỏ.

Không chỉ làm nhà để ở, những phần “đất vàng” của công viên nằm trên mặt đường Phạm Hùng còn bị “xẻ thịt” thành từng mảng phục vụ kinh doanh như: trông giữ xe, rửa xe, gara ô tô, sân tennis, quán bia….

Những hoạt động kinh doanh này diễn ra một cách công khai, vô tư “chềnh ềnh” biển hiệu của một cơ sở lớn như: Bia hơi Hà Nội, gara 3 chuẩn, gara ô tô - xe máy, nhà hàng Thắng xoăn… Không thể biết cụ thể giá trị của bản hợp đồng cho thuê những khu đất này, nhưng chắc chắn để có thể tự do hoạt động trong khoảng thời gian dài trên đất dự án, chủ kinh doanh ở đây đã phải “làm luật” với số tiền không nhỏ thì mới được “vô tư” lấn chiếm đất công đến vậy.

Hàng trăm nghìn m2 đất đang bị xẻ thịt làm nơi kinh doanh

Hàng trăm nghìn m2 đất đang bị xẻ thịt làm nơi kinh doanh

Hàng trăm nghìn m2 đất đang bị "xẻ thịt" làm nơi kinh doanh

 

Sau khi báo Dân trí đăng tải hai bài viết: “Hàng trăm hộ dân “băm nát Công viên Cầu Giấy làm nhà bất hợp pháp”“Vụ Công viên Cầu Giấy bị “băm nát”: Thả cửa chiếm đất vàng kinh doanh”, ngày 12/9/2013 UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 6682/UBND - TNMT, do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký và ban hành gửi huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy chỉ đạo:

 

“Giao UBND quận Cầu Giấy, UBND huyện Từ Liêm kiểm tra, làm rõ sự việc theo phản ánh của báoDân trí; tổ chức xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quản lý sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Công viên Cầu Giấy theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố và thông tin cho báo Dân trí kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2013”.


Mới đây nhất, ngày 9/12/2013, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 10380/VPCP-KTN gửi Bộ Tài chính, nêu rõ: Xét đề nghị của UBND TP Hà Nội tại công văn số 9021/UBND-KH&ĐT ngày 27/11/2013 về việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu công viên điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, TP Hà Nội theo hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến như sau:

Giao Bộ Tài chính nghiên cứu và có ý kiến về đề nghị của UBND TP Hà Nội tại công văn nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2013.

Vũ Văn Tiến