Hà Nội:

Xử lý sai phạm ở 38 Hàng Giầy: Vẫn dừng lại trên giấy

(Dân trí) - Gần 10 năm qua, gia đình cụ Huy đã gửi đi hàng trăm lá đơn và nhận lại hàng chục văn bản của các cấp chỉ đạo xử lý sai phạm ở 38 Hàng Giầy. Nhưng những nội dung chỉ đạo này vẫn chỉ nằm trên giấy để mặc sai phạm nghiễm nhiên tồn tại.

 
Theo đơn thư của ông Tạ Tuyên gửi đến báo Dân trí, ngôi nhà số 38 phố Hàng Giầy rộng 154,4m2có nguồn gốc sở hữu của cụ Tạ Văn Huy và vợ Phạm Thị Châu (ông bà nội của ông Tuyên). Năm 1953, cụ Tạ Văn Huy xây dựng một căn nhà bê tông 2 tầng, mỗi tầng có 3 phòng, với tổng diện tích khoảng 70m2/tầng dùng để kinh doanh và ở. Ngoài ra, nhà số 38 còn có một khu phụ 2 tầng nằm cuối thửa đất và 60m2 đất sử dụng làm sân phơi, bể nước và nơi để xe.

Cuối năm 1961, gia đình cụ Huy đồng ý cho Ủy ban hành chính (UBHC) khu Hoàn Kiếm mượn 3 phòng tầng 1, ngoài ra không còn bất cứ diện tích nào khác. Sử dụng một thời gian, UBHC khu Hoàn Kiếm thông qua Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm ký Hợp đồng cho Công ty ăn uống Đồng Xuân (nay là Công cổ phần du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm) thuê toàn bộ diện tích nhà 36, cùng 3 phòng tầng 1 nhà 38 phố Hàng Giầy để kinh doanh ăn uống. Gia đình cụ Huy vẫn sử dụng lối đi chung phía dưới tầng 1 từ mặt phố Hàng Giầy đi vào, cầu thang lên tầng 2, sử dụng độc lập toàn bộ sân khoảng 60m2, khu nhà phụ 2 tầng và toàn bộ diện tích tầng 2 ngôi nhà khoảng 70m2.

Tuy nhiên, khi gia đình cụ Huy đi sơ tán, Công ty ăn uống Đồng Xuân đã có những hành động phá hoại tài sản, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý nhà cho thuê, về xây dựng.

Bà Tạ Thị Bảo Kim cho biết: “Người sử dụng ngôi nhà này tức là phía mà chúng tôi cho mượn luôn luôn có sự lấn át, chiếm hữu những diện tích phụ của chúng tôi ngày một nghiêm trọng hơn. Chúng tôi đã mất rất nhiều quyền sử dụng và quyền sở hữu với nhiều diện tích phụ giúp sinh hoạt cho gia đình.
 
Lối ra mặt tiền phố Hàng Giầy của nhà ông Tuyên bị bịt kín hàng chục năm qua
Lối ra mặt tiền phố Hàng Giầy của nhà ông Tuyên bị bịt kín hàng chục năm qua

Ví dụ như: lối đi ra ngoài mặt tiền, lối cửa chính thì họ đã xây tường ngăn lại; những phần diện tích phụ cần thiết trong đời sống nhất như nhà bếp nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước thì họ hoàn toàn chiếm dụng không cho chúng tôi sử dụng, khiến gia đình chúng tôi rơi vào tình huống sinh hoạt giống như người nguyên thủy rất nhếch nhác, bẩn thỉu và họ dùng diện tích đó để xây văn phòng làm việc; sân cũng bị chiếm dụng; tường ngăn cách giữa hai nhà 36 và 38, họ cũng tự ý phá dỡ tường ngăn cách thông hai nhà là một mà không hỏi ý kiến chúng tôi. Việc những người sử dụng ngôi nhà chúng tôi cho mượn họ quá tham lam, độc ác, bất cứ lúc nào chúng tôi vắng mặt, họ đã có những mưu toan tiếp tục lấn chiếm”.

Khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, gia đình cụ Huy đã gửi rất nhiều đơn thư đến cơ quan chức năng các cấp, nhưng đã nửa thập kỷ trôi qua, vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm, cho dù nhiều văn bản đã kết luận rất rõ ràng về những hành động vi phạm nghiêm trọng pháp luât của Công ty cổ phần du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm.

Ông Tạ Tuyên (cháu nội của cụ Tạ Văn Huy) cho biết: “Trong suốt 40 năm qua, gia đình chúng tôi cũng rất tin tưởng vào pháp luật và đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, từ địa phương như quận, thành phố thậm chí lên đến Trung ương như Quốc hội, Văn phòng Trung uơng Đảng, Chính phủ, cho đến quyết định cuối cùng của thành phố là năm 2008 cũng yêu cầu các cơ quan liên quan như Sở Xây dựng, Công ty Quản lý Phát triển nhà kiểm tra lại hồ sơ và trả lại cho chúng tôi tất cả phần diện tích bị đập phá, lấn chiếm. Tuy nhiên, đến nay là năm 2013, các quyết định đó vẫn chưa được thực thi”.

Năm 1981, theo yêu cầu của Sở Nhà đất Hà Nội, ông Trần Toàn, Giám đốc Sở Quản lý ăn uống phục vụ Hà Nội trước đây ký Quyết định số659 AU/KTCBngày 30/7/1981, yêu cầu Công ty ăn uống Đồng Xuân trả lại công trình phụ cho gia đình cụ Huy. Ngày 10/9/1983, Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội ký Quyết định số 547 NĐ/CS yêu cầu xử lý vi phạm, buộc Công ty ăn uống Đồng Xuân phải thực hiện các các quyết định659 AU/KTCB và 547 NĐ/CS.

Cho đến những năm 2003 - 2004, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, báo kết quả giải quyết vụ việc nhà số 38 phố Hàng Giầy. Năm 2008, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 4/11/2008, do ông Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi ký với nội dung giao Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng khu phụ nhà số 38 phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; đối chiếu với hồ sơ quản lý nhà nước trước đây để xác định phần diện tích phụ trả lại cho hộ ông Tạ Bảo Thạch và bà Tạ Thị Bảo Kim (các con cụ Tạ Văn Huy) sử dụng.
 
Tường ngăn nhà 38 và 36 Hàng Giầy bị Công ty CP Du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm phá bỏ
Tường ngăn nhà 38 và 36 Hàng Giầy bị Công ty CP Du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm phá bỏ

Thực hiện chỉ đạo của TP. Hà Nội, ngày 1/12/2008, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng ký công văn số 3274/SXD-PC, yêu cầu Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội kiểm tra hiện trạng sử dụng khu phụ nhà số 38 phố Hàng Giầy; đối chiếu với hồ sơ quản lý nhà nước trước đây để xác định phần diện tích phụ trả lại cho hộ ông Tạ Bảo Thạch và bà Tạ Thị Bảo Kim sử dụng.

Kiên nhẫn gửi đơn thư, mới đây ông Tạ Tuyên đã nhận được Văn bản số 5605/UBND-BTCD do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ngày 5/8/2013, gửi Sở Xây dựng, UBND quận Hoàn Kiếm nêu rõ:

Yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện Điều 2, Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 4/11/2008 của UBND Thành phố (Kiểm tra hiện trạng, đối chiếu với hồ sơ quản lý để xác định diện tích phụ cho các hộ gia đình ông Tạ Bảo Thạch, bà Tạ Bảo Kim tại số nhà 38 phố Hàng Giầy, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm); báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2013

Sau văn bản chỉ đạo giải quyết của UBND TP. Hà Nội, ngày 28/9/2013, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội tiếp tục ký văn bản số 7184/SXD-QLN gửi báo Dân trí thông báo việc “Yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hoàn Kiếm phối hợp với Công ty CP Du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Buồm khẩn trương lên phương án xác định và thống nhất với các bên có liên quan về vị trí diện tích phụ theo Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 4/11/2008 của UBND Thành phố”.

Mong vụ việc không rơi vào tình trạng “để lâu hóa bùn” giống như những văn bản chỉ đạo trước đây, ông Tuyên đề nghị: "UBND TP Hà Nội cũng như Sở Xây dựng, Công ty Quản lý và Phát triển nhà thực hiện tất cả những yêu cầu của UBND TP về việc xử lý, giải quyết trả lại cho chúng tôi phần diện tích phụ. Cụ thể: xây trả cho chúng tôi tường ngăn giữa nhà 36 và 38, trả lại hiện trạng ngôi nhà như trước đây, trả lại toàn bộ khu vệ sinh, nhà bếp, nhà tắm cũng như phòng tầng 2. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu trả lại cho chúng tôi lối đi trong nhà. Đó là tất cả nguyện vọng , chúng tôi mong muốn các cấp của thành phố sớm giải quyết, xử lý dứt điểm vụ việc trên".

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm