Xót thương các nạn nhân vụ chìm tàu cá Hàn Quốc tại Nam cực

(Dân trí) - Rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ lo lắng cho số phận các thủy thủ, trong đó có cả người Việt Nam, ngay sau khi tin về vụ đắm tàu cá Hàn Quốc In Sung - 1 sáng 13/12 trên vùng biển băng giá ngoài khơi New Zealand được đưa dồn dập...

 
Xót thương các nạn nhân vụ chìm tàu cá Hàn Quốc tại Nam cực - 1
Tàu In Sung - 1.
 

Thông báo sáng 14/12 của cơ quan chức năng New Zealand về việc dừng cuộc tìm kiếm quả thật quá đau xót, bởi như vậy nghĩa là chấm dứt hy vọng mong manh vào khả năng còn ai đó sống sót trong số 17 thủy thủ  mất tích (trong đó có 3 thủy thủ Việt Nam).

 

Nỗi đợi chờ dù khắc khoải bao nhiêu cũng còn hơn sự thật quá đau đớn – lại thêm những vành khăn tang trĩu nặng cả những mái tóc bạc lẫn những mái đầu xanh của những người vợ trẻ, những đứa con thơ dại trong những gia đình ngư dân nghèo khó ở các vùng biển miền Trung.

 

Những nạn nhân xấu số, theo VnExpress, đều quê ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trong đó người đã được xác định tử nạn là Nguyễn Tương, 24 tuổi ở xã Kỳ Khang. 3 người mất tích là Nguyễn Song Hào, 28 tuổi ở xã Kỳ Khang; Nguyễn Văn Thành 21 tuổi và Nguyễn Văn Sơn 25 tuổi cùng ở xã Kỳ Ninh.

 

Trận đại hồng thủy vừa qua đi, khó khăn vẫn đang chồng chất, nay tin dữ lại giáng tiếp thì những người thân của các nạn nhân lấy sức và nghị lực đâu ra để  gánh thêm nỗi  bất hạnh quá lớn này. Đã xót thương lại càng đau đớn hơn, bởi đó là những cái chết trẻ quá bất ngờ ngay trong thời bình và lại ở một nơi xa xôi như thế.

 

Tuy các công ty đưa 11 thuyền viên Việt Nam đi làm việc trên con tàu bị nạn đều cho biết rằng họ được mua bảo hiểm. Đồng thời Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khẳng định sẽ tùy từng trường hợp để hỗ trợ với các thủy thủ Việt Nam. Nhưng cái quý nhất là mạng sống của con người thì không thể nào lấy lại được nữa rồi.
 
Xót thương các nạn nhân vụ chìm tàu cá Hàn Quốc tại Nam cực - 2
Một nhóm thuyền viên thuộc công ty Inmasco trước giờ xuất cảnh
(ảnh báo Pháp Luật).
 

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhiều lần nhấn mạnh, những người lao động xuất cảnh theo các hợp đồng chính thống của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) có đăng ký với Cục thì đều bảo đảm tính an toàn cao; đồng thời khẳng định, đối với thị trường Hàn Quốc, chỉ có 2 cơ quan chính phủ của Hàn Quốc và Việt Nam là Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc phối hợp thực hiện.

 

Nhưng vẫn có không ít người lao động, trong đó có cả các thuyền viên, vì trình độ có hạn, vì ở xa xôi, ít thông tin dẫn tới cả tin, nên vẫn sập bẫy lừa đảo của các cá nhân, tổ chức không có giấy phép XKLĐ  tự ý tuyển người đưa người đi.

 

Sau khi tung ra mồi nhử là những lời hứa hẹn: thủ tục đơn giản, chi phí thấp… thu được tiền của các con mồi rồi là những kẻ bất lương cao chạy xa bay, bỏ mặc nạn nhân và gia đình họ mang cục nợ ít cũng vài chục triệu, nhiều lên tới cả trăm triệu đồng.

 

Mà cũng đâu chỉ những người lao động nhẹ dạ, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước,  có cả nhiều doannh nghiệp XKLĐ trong nước cũng mắc lừa môi giới rởm nước ngoài, do chủ quan trao đổi thông tin về đơn hàng tiếp nhận lao động thông qua email mà không trực tiếp thẩm định.

 

Đa số các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động tập trung vào các thị trường được người lao động ưa thích như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, hơn 90% vụ tập trung vào thị trường Hàn Quốc bởi có mức thu nhập tương đối cao.

 

Để tự bảo vệ mình, người lao động được khuyến cáo cần tỉnh táo, nắm bắt thông tin chính xác. Khi có nhu cầu đi XKLĐ cần thận trọng kiểm tra, đừng vì nôn nóng hay bất chấp để cuối cùng tiền mất tật mang.

 

Những thuyền viên trên con tàu xấu số In Sung 1 ấy và gia đình họ đâu có ngờ, họ có được đường ra đi nhưng chẳng còn trở về được nữa…Thật quá đau xót!!!

 

Thanh Nguyễn