Hà Nội:
Xét xử phúc thẩm vụ mất xe máy tại nhà hàng My Way
(Dân trí) - TAND TP. Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản” giữa nguyên đơn là anh Vũ Song Toàn với bị đơn là Công ty cổ phần My Way ra xét xử. Dự kiến phiên tòa sơ thẩm sẽ được diễn ra vào ngày 25/9 tới đây.
Bám sát diễn biến mới nhất của vụ việc để kịp thời thông tin tới bạn đọc, ngày 20/9 vừa qua, PV Dân trí đã được anh Vũ Song Toàn cho biết anh vừa được phía luật sư của mình thông báo về việc TAND TP. Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ được diễn ra vào 14 giờ ngày 25/9 tới đây.
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 10/5/2012, sau khi TAND quận Cầu Giấy mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản” giữa nguyên đơn là anh Vũ Song Toàn, chị Nguyễn Yến Linh (vợ anh Toàn) với bị đơn là Công ty cổ phần My Way Hospitality và ra bản án tuyên bác yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn. Không đồng tình trước một bản án không thật sự vô tư, khách quan và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, vì vậy ngay sau khi phiên xét xử sơ thẩm khép lại, cùng với luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, anh Toàn đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục để kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tiếp đó, ngày 10/5/2012 VKSND TP. Hà Nội cũng đã có Quyết định số 12/QĐKNPT/VKS-P5 kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2012/DSST ngày 10/5/2012 của TAND quận Cầu Giấy theo thủ tục phúc thẩm. Trong quyết định kháng nghị trên, VKSND TP. Hà Nội đã đưa ra những nhận định để làm cơ sở cho việc kháng cáo như sau:
“…anh Toàn đã gửi một đĩa in file ghi âm do anh Toàn ghi âm tại thời điểm mất xe (trong đó có xác nhận của nhân viên Thủy về việc anh Toàn có gửi xe tại nhà hàng). Đây là một nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh cho quyền lợi hợp pháp của anh Toàn. Tuy nhiên Tòa án Cầu Giấy đã bỏ qua toàn bộ chứng cứ này, không cho đối chất với nhân viên tên Thủy, không giám định, không lập biên bản ghi lại nội dung ghi âm giữa các bên…
Tại phiên tòa sơ thẩm, khi Tòa án công bố file ghi âm, nhân viên Thủy không có mặt tại phiên tòa, vị đại diện VKSND quận Cầu Giấy đã yêu cầu Tòa cho giám định đĩa ghi âm trên nhằm xác định có đúng người nói trong đĩa có phải là nhân viên Thủy của nhà hàng My Way hay không? nhưng Tòa án Cầu giấy cũng không thực hiện.
Phía nguyên đơn khai tại thời điểm nguyên đơn gửi xe và bị mất xe tại nhà hàng My Way không hề có tấm biển thông báo “Quý khách đến nhà hàng xin vui lòng lấy vé xe, nhà hàng không chịu trách nhiệm nếu khách hàng không có vé. Xin cảm ơn” ghi phía bên phải nhà hàng và cho rằng sau khi xảy ra sự kiện mất xe nhà hàng mới treo biển thông báo.
Phía bị đơn phủ nhận điều này, cho rằng tấm biển trên có từ khi thành lập nhà hàng năm 2005. Đây cũng là một chứng cứ quan trọng cần được xem xét, giám định để xác định thời gian có tấm biển thông báo trên. Tòa án Cầu Giấy mặc nhiên chấp nhận lời khai của phía bị đơn mà không xem xét, giám định thời gian có tấm biển báo là không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của nguyên đơn.
Nguyên đơn khai là khách quen của nhà hàng và thường xuyên để xe tại vỉa hè phía trước cửa mặt đường Hoàng Đạo Thúy nhưng Tòa án cũng chưa xác minh, lấy lời khai của nhân viên bảo vệ (trong đó có nhân viên Lưu) và người quản lý nhà hàng tại thời điểm đó (tên là Kiều), đồng thời cũng chưa yêu cầu phía bị đơn cung cấp Hợp đồng lao động giữa công ty My Way và nhân viên Đinh Thị Thủy nhằm xác định chức trách, nhiệm vụ của chị Thủy đối với công việc được giao là thiết sót.
Tại biên bản phiên tòa và tại Bản án sơ thẩm ghi có mặt 2 người làm chứng là anh Sáng và anh Hoàng, vắng mặt anh Nam, chị Thủy nhưng Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 12/2012/QĐST-DS ngày 21/3/2012 của TAND quận Cầu Giấy không có họ, tên những người làm chứng được triệu tập tham gia phiên tòa là vi phạm Điều 195 BLTTDS.
Từ những nhận định trên VKSND TP. Hà Nội đưa ra kết luận: “Những thiếu sót, vi phạm trên của TAND quận Cầu Giấy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Với những lý do để kháng nghị này, VKSND TP. Hà Nội đã đề nghị TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án số 06/2012/DSST ngày 10/5/2012 của TAND quận Cầu Giấy, giao hồ sơ cho TAND quận Cầu Giấy xét xử lại.
Trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, người nhận bảo vệ quyền và lợi ích cho anh Toàn để nắm được một số quy định pháp luật của liên quan tới giai đoạn phúc thẩm chúng tôi được luật sư Tú cho biết: Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, khác với thành phần Hội đồng xét xử trong giao đoạn sơ thẩm (HĐXX trong giai đoạn sơ thẩm thông thường sẽ gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân) thì thành phần HĐXX phúc thẩm vụ án dân sự sẽ gồm 03 thẩm phán. Về thẩm quyền, HĐXX phúc thẩm có các quyền sau đây: 1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm; 2. Sửa bản án sơ thẩm; 3. Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án; 4. Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án”.
Điều 53. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba Thẩm phán. Điều 275. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm Hội đồng xét xử phúc thẩm có các quyền sau đây: 1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm; 2. Sửa bản án sơ thẩm; 3. Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án; 4. Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. |