Trách nhiệm pháp lý của tài xế xe chở dăm gỗ làm chết 3 người
(Dân trí) - Theo luật sư, nếu kết quả xác minh cho thấy tài xế đã không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát và xử lý cẩu thả, chủ quan, người này có thể bị xem xét trách nhiệm theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Như Dân trí thông tin, sáng 20/10, xe tải chở dăm gỗ do tài xế Nguyễn Minh Tâm (34 tuổi, ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) khi di chuyển tới vòng xuyến ngã 5 đường Tây Sơn - Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thì bất ngờ bị lật, đè lên xe máy chở 3 người khiến cả 3 tử vong tại chỗ.
Dữ liệu camera hiện trường cho thấy xe tải vượt qua vòng xuyến với tốc độ nhanh, sau đó cua gấp vào đường Tây Sơn dẫn tới việc phương tiện bị lật gây tai nạn chết người. Sự việc đang được Công an TP Quy Nhơn xác minh làm rõ.
Từ sự việc đau lòng trên, tài xế Tâm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao là thắc mắc của nhiều độc giả.
Luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định của pháp luật về điều khiển phương tiện giao thông, lái xe khi tới giao lộ, các đoạn đường giao nhau cần chú ý quan sát, giảm tốc độ và phát tín hiệu xin đường, chuyển làn phù hợp. Trong trường hợp tài xế không tuân thủ những quy tắc này gây ra va chạm hoặc tai nạn, tùy thuộc mức độ và tính chất của sự việc, người điều khiển phương tiện có thể bị áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu nội dung clip được camera hành trình ghi lại, ông Thắng đánh giá chiếc xe chở dăm gỗ đã tiến vào giao lộ với tốc độ nhanh, sau đó cua gấp và bị lật, đè vào 3 người tham gia giao thông bằng xe máy. Do đó, cơ quan công an sẽ cần tập trung làm rõ một số yếu tố như tài xế đã tuân thủ quy định về giảm tốc độ, chú ý quan sát khi tới vòng xuyến hay chưa; nguyên nhân chiếc xe bị lật là do đâu, có phải sự kiện bất ngờ, khách quan, ngoài tầm kiểm soát hay không và khi xảy ra sự cố, tài xế đã xử lý như thế, đã phải phương án tối ưu trong khả năng để giảm thiểu tối đa thiệt hại hay chưa.
Đồng thời, cũng cần làm rõ chất lượng phương tiện như việc còn thời hạn đăng kiểm hay không; chủ sở hữu, người điều khiển đã kiểm tra hệ thống vận hành trước khi đưa phương tiện vào hoạt động hay chưa hay phương tiện có chở quá tải, vượt giới hạn khối lượng hàng hóa cho phép hay không.
Từ những căn cứ nêu trên, nếu có cơ sở cho thấy việc chiếc xe lật có yếu tố lỗi của tài xế như không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát hay có những động tác xử lý chủ quan, cẩu thả khác dẫn tới tai nạn chết người... thì trách nhiệm hình sự sẽ được xem xét.
Nếu bị quy kết phạm tội, với tình tiết định khung làm chết từ 3 người trở lên, người điều khiển phương tiện có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt 7-15 năm tù.
Đồng thời, cần làm rõ phương tiện có đạt tiêu chuẩn tham gia giao thông hay không, và việc xảy ra tai nạn chết người có phần nguyên nhân do lỗi hệ thống của chiếc xe như phanh hỏng hay trục trặc hệ thống lái hay không. Nếu có cơ sở cho thấy phương tiện chưa đảm bảo điều kiện lưu thông, trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu, đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện cũng có thể được đề cập.
Ngược lại, nếu nguyên nhân lật xe được xác định xuất phát hoàn toàn từ lý do khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của tài xế, tài xế đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng nhằm giảm thiểu thiệt hại nhưng thiệt hại thực tế vẫn xảy ra, đây có thể coi là trường hợp bất khả kháng. Khi đó, trách nhiệm pháp lý về dân sự và hình sự có thể được miễn trừ.