Nghệ An:
Xã tự lập điểm thu phí đường bộ
(Dân trí) - Lấy lí do để kiểm soát các loại xe quá tải tránh hư hỏng đường, xã Thanh Lương - Thanh Chương (Nghệ An) đã lập 2 điểm thu phí đường bộ với các chuyến xe chở hàng hoá, nguyên vật liệu đi ngang qua. Việc làm này đang khiến nhiều lái xe bức xúc.
Một chiếc xe tải đang dừng lại nộp phí tại điểm thu phí ở xóm 3 xã Thanh Lương.
Theo quán sát của chúng tôi vào sáng ngày 20/1, tại điểm thu phí nằm trên địa phận xóm 3 (gần chợ Bò) xã Thanh Lương, những chiếc xe tải chở cát sạn, chở vôi... đi ngang đều phải nộp một khoản tiền. Đây là tuyến đường liên xã nối quốc lộ 46 đi vào xã Thanh Yên. Nhiều lái xe phản ánh: Tại sao xã Thanh Lương lại tự ý lập điểm thu phí đường bộ trong khi đó tất cả chúng tôi đều đã đóng phí đường bộ. Nhiều lúc thu phí nhưng không có biên lai. Chúng tôi rất bức xúc nhưng đành phải nộp tiền để đi.
Chủ xe tải biển kiểm soát 37C-05042 cho biết: "Tôi đi bán vôi nhiều nơi nhưng không thấy ở đâu lại có chuyện xã lập điểm thu phí đường như ở đây. Mỗi lần bán vôi ngang qua đây, chúng tôi phải đóng 10.000 ngàn đồng tiền phí. Điểm thu phí này do ông Nguyễn Sỹ Sơn ở xóm 3, xã Thanh Lương phụ trách nhưng khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, ông Sơn đã tránh gặp mặt. Ngoài điểm này, trên địa phận xóm 5 của xã cũng có thêm 1 điểm thu phí khác do ông Phan Văn Phúc ở xóm 2 người cùng xã phụ trách.
Phiếu thu phí do xã tự lập để thu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Thành - PCT UBND xã và ông Nguyễn Duy Mai - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương thừa nhận có chuyện thu phí đường bộ trên địa bàn xã. Việc thu phí này đã được thực hiện từ 3 năm trở lại đây. Số tiền thu được đều nộp vào kho bạc nhà nước. Ban đầu, phí cho mỗi lần xe đi ngang được thu 5.000 đồng, từ năm 2013 đã được nâng lên 10.000 đồng (trung bình mỗi năm, từ 2 điểm này thu được khoảng 10 triệu đồng).
Ông Nguyễn Duy Mai - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương trao đổi: đường nối quốc lộ 46 qua địa phận xã Thanh Lương vào xã Thanh Yên là đường liên xã. Đoạn đường thuộc địa phận xã Thanh Lương là đường làm do dân đóng góp mỗi khẩu 20 ngàn đồng và sau 5 năm mới làm được. Thời gian qua, xe chở gỗ, chở nguyên vật liệu (xi măng, cát, sạn, sỏi...) nhiều nên đường nhanh hỏng, người dân phản ánh nên Đảng uỷ, HĐND, UBND xã đã họp bàn thống nhất lập 2 điểm với mục đích kiểm soát xe quá tải là chính, còn chuyện thu phí là để có kinh phí tu bổ đường.
Mỗi chiếc xe được thu phí, trước đây người thu phí hưởng tiền công 1.000 đồng, nay nâng lên 2.000 đồng. Theo ông Mai, trong xã có nhiều xe tải thường chở hàng hoá nên họ đã nộp khoản phí này theo từng năm. Việc thu phí tại các điểm này cũng đang có chuyện lợi dụng thu nhưng không ghi hoá đơn, tuy nhiên không phải là nhiều.
Giấy nộp tiền từ việc thu phí.
“Việc xã lập các điểm thu phí, đúng hay sai theo quy định của nhà nước thì tôi không biết. Nếu sai thì chúng tôi sửa. Đây là chủ trương chung của Đảng uỷ và Ủy ban và cũng với mục đích bảo vệ đường. Có thêm kinh phí để tu bổ”, ông Mai nói.
Trao đổi với một lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương thì được việc làm trên của xã Thanh Lương là không đúng nên huyện đang chỉ đạo xã phải đình chỉ ngay hoạt động này. Đồng thời báo cáo toàn bộ sự việc để huyện xem xét.
Nguyễn Phê - Thanh Hải