Vụ xưởng sản xuất ở Hà Nội gây ô nhiễm: Vì sao chưa thể xử phạt?

Khả Vân

(Dân trí) - Chủ tịch UBND xã Cao Dương cho rằng việc xử phạt ô nhiễm môi trường vượt ngoài thẩm quyền của mình, trong khi đó vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ xử phạt trình lên huyện dù sự việc kéo dài đã lâu.

Như đã đưa tin, xưởng sản xuất lồng chim nằm giữa khu dân cư của gia đình nguyên trưởng thôn Cao Xá, ông Quách Đức Hiểu tại số nhà 23, xóm Cả, thôn Cao Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai với tiếng ồn và độ rung vượt mức cho phép, đã được cơ quan chức năng ban đầu xác định có vi phạm. Cụ thể như sau:

Ngày 3/3/2023 UBND xã Cao Dương đã phối hợp cùng phòng TNMT, cảnh sát kinh tế môi trường huyện tổ chức đo đạc tiếng ồn, độ rung do Trung tâm quan trắc TNMT - Sở TNMT thực hiện tại cơ sở sản xuất của ông Quách Đức Hiểu và con trai là Quách Đức Hà. Kết quả cho thấy độ ồn vượt quy chuẩn, vi phạm các quy định về tiếng ồn và độ rung được quy định tại khoản 3, điều 22 và khoản 1, điều 23, Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do cơ sở của gia đình ông Hà gây ra về tiếng ồn và độ rung là của Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai.

Vụ xưởng sản xuất ở Hà Nội gây ô nhiễm: Vì sao chưa thể xử phạt? - 1

Cơ sở sản xuất của gia đình nguyên trưởng thôn Cao Xá vi phạm các quy định về tiếng ồn và độ rung, ban đầu đã được cơ quan chức năng xác định có vi phạm. Tuy nhiên gần 2 tháng trôi qua việc xử phạt vẫn chưa thể thực hiện vì Chủ tịch UBND xã cho rằng đây là thẩm quyền của huyện, trong khi đó xã vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ xử phạt trình lên.

Theo luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai mà trực tiếp là Chủ tịch Bùi Văn Sáng phải là người tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả với cơ sở sản xuất của ông Quách Đức Hà.

Ngày 21/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Cao Dương cho biết, với hành vi vi phạm của gia đình ông Hà, mức xử phạt vượt quá thẩm quyền của UBND xã. Vì vậy xã đã báo cáo UBND huyện, phòng TNMT theo báo cáo số 28/BC-UBND ngày 23/3/2023 về việc giải quyết đơn đề nghị của công dân liên quan đến cơ sở sản xuất của ông Quách Đức Hà.

Tuy nhiên, chiều 26/4 PV Dân trí liên hệ với đại diện phòng TNMT huyện Thanh Oai về việc đơn vị này đã đề xuất với Chủ tịch UBND huyện hình thức xử phạt với cơ sở gây ô nhiễm nói trên chưa, thì nhận được câu trả lời: Việc xử phạt sẽ theo đúng trình tự là UBND xã phải hoàn thiện và gửi hồ sơ lên phòng TNMT, từ đó phòng mới ra văn bản trình lãnh đạo huyện.

"Thời điểm hiện tại, xã vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ này", vị này cho biết.

Vụ xưởng sản xuất ở Hà Nội gây ô nhiễm: Vì sao chưa thể xử phạt? - 2

Cơ sở sản xuất lồng chim của gia đình ông Quách Đức Hiểu, nguyên trưởng thôn Cao Xá nằm giữa khu dân cư khiến các hộ dân bức xúc vì gây ô nhiễm tiếng ồn, rung lắc.

Ông Quách Đức Thuần, đại diện cho gần 30 hộ dân gửi đơn cầu cứu tới Báo Dân trí cho biết, gần 2 năm nay lần nào tiếp xúc với công dân Chủ tịch xã cũng nói đang vận động cơ sở này di dời, nhưng đến nay chưa thấy có biến chuyển gì. "Từ lúc có kết quả đo về mức độ vi phạm do ô nhiễm tiếng ồn và độ rung đến nay đã gần 2 tháng, không hiểu vì lý do gì mà việc xử phạt vẫn chưa thể thực hiện?", ông Thuần băn khoăn.

Mức xử phạt với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn và độ rung được quy định tại khoản 3, điều 22 và khoản 1, điều 23, Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Điều 22. Vi phạm các quy định về tiếng ồn

….

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

……

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 23. Vi phạm các quy định về độ rung

Hành vi vi phạm các quy định về độ rung trong hoạt động xây dựng bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung dưới 02 dB;

…………..

Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu độ rung đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.