Long An:
Vụ "xẻ thịt" đất nông nghiệp gây chấn động: Không "ém" hồ sơ sai phạm!
(Dân trí) - Trả lời các vấn đề phản ánh trong tuyến bài điều tra của Báo Dân trí về tình trạng "xẻ thịt" đất nông nghiệp tại xã Long Thượng, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc khẳng định không "ém" hồ sơ sai phạm và sẽ tiếp tục cho thanh kiểm tra, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.
Xử lý nghiêm sai phạm
Chiều 15/5, UBND huyện Cần Giuộc đã tổ chức họp báo để thông tin các vấn đề liên quan về tình hình quản lý đất đai, xây dựng mà Báo Dân trí đã phản ánh trong thời gian qua. Buổi họp báo do ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc chủ trì với sự tham dự của Thường trực HĐND huyện và Thường trực Huyện ủy cùng nhiều phòng ban chuyên môn của huyện Cần Giuộc.
Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Đức gửi lời cảm ơn đến Báo Dân trí đã quan tâm, đưa tin về công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Long Thượng (huyện Cần Giuộc), giúp địa phương rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý.
Ông Đức thông tin, để giải quyết thực trạng xảy ra tại địa bàn xã Long Thượng, UBND huyện Cần Giuộc đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xuống hỗ trợ kiểm tra. Ngay khi có kết luận, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Cần Giuộc đã thành lập hội đồng kỷ luật, kỷ luật với hình thức cách chức ông Tạ Văn Ngon - Bí thư Đảng ủy xã Long Thượng, ông Huỳnh Quốc Thắng - Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thượng và được giải quyết cho nghỉ việc theo nguyện vọng. Hai cán bộ địa chính xã Long Thượng cũng bị buộc thôi việc. Ngoài ra, UBND huyện Cần Giuộc cũng đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng.
Ông Đức cho biết thêm, hiện huyện Cần Giuộc đã tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, phân rõ trách nhiệm, đơn vị, người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, kết nối giao thông. Đến nay, tình hình xây dựng, đất đai trên địa bàn xã Long Thượng cơ bản đảm bảo, đi vào nề nếp.
"Hiện UBND huyện Cần Giuộc đang củng cố hồ sơ cưỡng chế phá dỡ các trường hợp đấu nối đường nhánh với đường chính không phù hợp với quy hoạch giao thông, không đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời tăng cường kiểm tra, lập biên bản vi phạm trước ngày 25/5. Từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng với số tiền gần 470 triệu đồng", ông Đức thông tin tại buổi họp báo.
Theo ông Đức, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vấn đề này. "Tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai và xây dựng công trình trái phép đều phải xử lý nghiêm. Sau khi xử lý nếu việc tiếp tục sử dụng đất và công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan thì yêu cầu thực hiện đầy đủ thủ tục để tồn tại. Trường hợp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất thì kiên quyết xử lý buộc tháo dỡ hoặc khôi phục lại hiện trạng như ban đầu", ông Đức khẳng định.
Không "ém" hồ sơ sai phạm
Trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho rằng, chính quyền địa phương không "ém" hồ sơ sai phạm. Hiện huyện Cần Giuộc đang tiếp tục thanh kiểm tra, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.
Trước đó, PV Dân trí nhiều lần liên hệ làm việc, đặt câu hỏi nhưng không được UBND huyện Cần Giuộc và các phòng ban chuyên môn trả lời. Ông Đức đã tiếp nhận thông tin này và cho rằng thời gian tới sẽ chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp với báo chí.
Trước thực trạng hàng trăm căn nhà đã được xây dựng và bán cho người dân không đảm bảo về cơ sở hạ tầng, không có hệ thống thoát nước, các vấn đề về môi trường và phòng cháy chữa cháy không đảm bảo thì sẽ xử lý thế nào? liệu người dân có bị "đẩy ra đường" khi những công trình sai phạm bị cưỡng chế?
Ông Đức cho biết, hiện cơ quan chức năng đang khảo sát, xử lý hạ tầng, đối với những nơi đã có người dân vào ở sẽ có báo cáo, hướng xử lý cụ thể. Vấn đề về môi trường sống đang làm ông Đức và nhiều đơn vị chuyên môn "đau đầu". Tuy nhiên, ông Đức khẳng định sẽ: "Sau khi xử lý nếu việc tiếp tục sử dụng đất và công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan thì yêu cầu thực hiện đầy đủ thủ tục để tồn tại".
Đồng thời, ông Đức sẽ yêu cầu chủ đầu tư quay lại để phối hợp xử lý hạ tầng và các vấn đề liên quan để đảm bảo môi trường sống cho người dân tại nhiều khu nhà ở xã Long Thượng.
Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm của "cấp trên", cụ thể ở đây là Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng. Dù sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng tại địa bàn xã Long Thượng rất nghiêm trọng nhưng hai đơn vị này chỉ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vậy rút kinh nghiệm điều gì? trách nhiệm liên quan chỉ dừng lại ở đó?
"Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng rút kinh nghiệm về chuyên môn, cụ thể như thế nào sẽ có trả lời đến báo Dân trí", ông Đức nói.
Số liệu phân tích tại Kết luận kiểm tra của Sở TN&MT thì 6 tháng cuối năm 2014, Phòng TN&MT đã phối hợp với UBND xã Long Thượng giải quyết 22 hồ sơ chuyển mục đích với hơn 6000m2 đất; năm 2015 là 238 hồ sơ với diện tích hơn 58.000m2 và 6 tháng đầu năm 2016 là 103 hồ sơ với diện tích hơn 27.000m2 đất. Như vậy, tổng diện tích đất đã được chuyển mục đích trong thời kỳ kiểm tra là hơn 91.000m2 đất. Đáng chú ý, trong năm 2015, chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất của xã Long Thượng chỉ là 30.000m2 nhưng không hiểu vì sao Phòng TN&MT đã giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất lên tới hơn 5.8000m2 vượt chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất 28.000m2.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, các điểm phân lô, điểm dân cư tập trụng từ hoạt động tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất hình thành. Những "ông trùm" phân lô này thực hiện việc đầu tư khu dân cư với hình thức: Chủ đầu tư thuê người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó tiến hành hợp thửa, phân lô để chuyển nhượng cho người dân có nhu cầu hoặc tiến hành xây dựng nhiều căn liền kề giống nhau rồi mới chuyển nhượng…
Điều dư luận quan tâm, đây không phải lần đầu tình trạng đất nông nghiệp bị "xẻ thịt" ồ ạt tại huyện Cần Giuộc, hậu quả để lại rất lớn. Các cấp chính quyền sau đó phải cố gắng khắc phục, tuy nhiên mới đây lại xảy ra tương tự ở xã Long Thượng. Lần này cơ quan chức năng lại bị động tiếp, các bộ quản lý nhà nước không có biện pháp ngăn ngừa nên nó lại xảy ra ở xã Long Thượng.
Nếu dẹp được tình trạng "xẻ thịt" đất nông nghiệp ồ ạt tại xã Long Thượng mà nó lại xảy ra ở địa bàn xã khác thì sao? trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào? có tự nhận trách nhiệm trước người dân, trước dư luận? hay cũng chỉ đưa một vài cán bộ cấp xã ra để kỷ luật?
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên