Vụ Vinashin có phải là chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” ?
Vinashin mua tầu Hoa Sen hơn 1.000 tỷ đồng , tham gia kinh doanh bất động sản, phát triển các trại chăn nuôi, lập 200 công ty con để rồi thua lỗ. Thế nhưng Bộ chủ quản là Bộ GTVT và trên nữa là Chính phủ lại không biết tý gì??? Đúng là con bò chui qua lỗ kim.
Tàu Hoa Sen trị giá hơn 1.000 tỷ đồng của VinaShin mua về để ... rồi đắp chiếu
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc bê bối xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp tầu thủy Việt Nam (Vinashin). Đã có một thời tập đòan kinh tế nhà nước này nổi đình nổi đám. Vậy mà đùng một cái lại đứng bên bờ vực phá sản.
Thật không thể hiểu nổi, một Tập đoàn có uy tín như vậy mà sao làm ăn lại vô trách nhiệm đến thế, không tính toán trong việc kinh doanh quá nhiều ngành nghề không liên quan đến ngành công nghiệp đóng tầu, có tới 200 công ty con cháu, để đến nỗi hiện nay nợ nần đến hơn 80 nghìn tỷ đồng. Không hiểu tại sao một tập đoàn kinh lớn như vậy và chủ yếu là dùng nguồn vốn nhà nước mà để cho quyền hành tập trung vào một người vừa là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa là Tổng giám đốc. Tiếc rằng cơ chế quản lý tập trung quyền hành vào một người như vậy đã xảy ra đối với một tập đoàn kinh tế nhà nước thì còn ai giám sát, kiểm soát kiểu “tiêu xài tiền chùa” mà thực chất đây là tiền của thuộc sở hữu toàn dân.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa qua đã phát hiện những dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Thanh Bình đã có thời kiêm nhiệm nhiều chức vụ nói trên, đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại tập đoàn này. Ông Bình đã cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội: các khỏan nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán, nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hơn 5000 lao động không có việc làm; các khoản nợ luơng và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.
Đến nay UBKTTƯ quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Bình, đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan đối với những vi phạm của VINASHIN và chỉ đạo các ngành chức năng đánh giá tòan diện, đúng thực chất đối với VINASHIN, từ đó rút kinh nghiệm đối với các tập đoàn khác. Ủy ban cũng yêu cầu các tập đòan kinh tế khác cần chủ động tự kiểm tra, tự xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả sản xuất, kinh doanh báo cáo trước ngày 31/8/2010 để UBKTTƯ tiếp tục giám sát.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Điều đáng nhấn mạnh ở đây là Luật doanh nghiệp nhà nước, Nghị định về các tập đoàn kinh tế nhà nước đã quy định việc để cho doanh nghiệp lỗ liền hai năm thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Để cho Vinashin lâm vào tình trạng khốn khó như ngày hôm nay chứng tỏ công tác giám sát chưa có hiệu quả. Nợ trên vốn sở hữu của Vinashin tính đến cuối năm 2008 đã lên tới con số trên 10 lần theo con số báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội. Mà theo nguyên tắc của cơ chế thị trường, một doanh nghiệp nợ quá 3 lần vốn đã có thể bị đặt vào diện giám sát đặc biệt và chủ sở hữu cũng phải có những điều kiện ngặt nghèo hơn. Vậy nguyên tắc này không hiểu tại sao không đặt ra và không áp dụng với trường hợp Vinashin.
Mới đây, trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về vụ việc Vinashin, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã khẳng định: Chính phủ không ưu ái Vinashin, coi Vinashin như các Tập đoàn khác.
Người dân chúng tôi giật mình vì câu nói này. Vậy tại sao Vinashin được vay 750 triệu USD trái phiếu quốc tế phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ. Ông Phạm Viết Muôn còn cho biết: Vinashin phát triển thế nào, mua sắm những gì cả Bộ GTVT và Chính phủ đều không biết. Chỉ khi xong rồi mới báo cáo.
Vinashin mua tầu Hoa Sen hàng nghìn tỷ đồng, Vinashin tham gia kinh doanh bất động sản, Vinashin phát triển các trại chăn nuôi, Vinashin lập 200 công ty con để rồi thua lỗ. Thế mà Bộ chủ quản là Bộ GTVT và trên nữa là Chính phủ lại không biết tý gì. Và đến nay người có trách nhiệm phát ngôn ở Văn phòng Chính phủ lại nói rằng quản lý, theo dõi Vinashin cũng như các Tập đoàn khác. Thật là một điều đặc biệt nguy hiểm. Nếu tất cả các Tập đoàn , TCT… đều được quản lý và giám sát theo cách đó thì không hiểu đất nước ta rồi sẽ ra sao đây. Biết bao công sức, tiền của thuộc sở hữu toàn dân rất có thể sẽ đổ xuống sông xuống biển vì cái cách quản lý và giám sát lỏng lẻo như vậy.
Xin đề nghị Chính phủ, Quốc hội hãy xem xét lại cách thức điều hành và cơ chế quản lý giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đòan kinh tế lớn, tránh tình trạng “chuyện đã rồi” như Vinashin!
Nguyễn Kim Xuyên
Ngõ 53 Hào Nam,Q.Đống Đa, Hà Nội
LTS Dân trí - Doanh nghiệp nhà nước nói chung, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước điều hành và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, luôn gắn bó mật thiết các mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và xã hội.
Cùng với những mặt tích cực, các doanh nghiệp của nhà nước cũng có những mặt hạn chế, yếu kém. Không ít doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn dân vẫn để xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, những người lãnh đạo ở đây chưa tòan tâm toàn ý phấn đấu vì lợi ích quốc gia, vì mục đích chung của doanh nghiệp, mà còn vun vén lợi ích cục bộ, cá nhận, thậm chí tiêu xài tiền nhà nước như tiêu xài “của chùa”.
Muốn ngăn ngừa tình trạng nói trên, đi đôi với việc giao quyền chủ động sản xuất kinh doanh, cần có cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập toàn kinh tế lớn. Đặc biệt, không nên tập trung quá nhiều quyền hành vào một người, dễ phát sinh ra tình trạng chuyên quyền, dẫn tới vụ bê bối và làm ăn thua lỗ lớn như Vinashin.
Xưa kia ông cha ta có lời khuyên thật chí lý: “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng” !