1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đề nghị cách chức Chủ tịch tỉnh Hà Giang, kỷ luật Chủ tịch Vinashin

(Dân trí) - Nhận định vị Chủ tịch tỉnh Hà Giang sống buông thả, vi phạm nghiêm trọng tư cách đảng viên, Ủy ban kiểm tra TW đề nghị cách chức vị này. Chủ tịch HĐQT Vinashin, ông Phạm Thanh Bình, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng cũng bị đề nghị xử lý.

Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TW) từ ngày 21/6 đến 3/7/2010 đã thảo luận, xem xét, kết luận hơn 45 vụ việc. Kỳ họp đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 2 tổ chức đảng và 6 đảng viên, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối với 3 tổ chức đảng. Kỳ họp cũng đã giải quyết tố cáo đối với 2 cấp ủy và 10 cán bộ diện Trung ương quản lý, giải quyết khiếu nại 4 trường hợp, kiểm tra tài chính đối với 3 đơn vị và các công việc khác.

Kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho thấy từ năm 2005 đến nay, ông Nguyễn Trường Tô đã thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận bất bình trong Đảng và xã hội.
 
 Đề nghị cách chức Chủ tịch tỉnh Hà Giang, kỷ luật Chủ tịch Vinashin - 1

Ông Nguyễn Trường Tô.

UBKT TW đề nghị Ban Bí thư cách hết các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Trường Tô và đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ông Bí thư Tỉnh ủy và ông Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang phải kiểm điểm trước Tỉnh ủy về việc biết những sai phạm của ông Tô từ năm 2005 nhưng không báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) cho thấy, ông Phạm Thanh Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Tập đoàn này, gây hậu quả nghiêm trọng khiến VINASHIN bên bờ vực phá sản.

Những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán, đến nay, nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm; các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.

UBKT TW quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Bình, đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đối với những vi phạm của VINASHIN và chỉ đạo các ngành chức năng đánh giá toàn diện, đúng thực chất đối với VINASHIN, từ đó rút kinh nghiệm đối với các tập đoàn khác. Ủy ban cũng yêu cầu các tập đoàn kinh tế khác cần chủ động tự kiểm tra, tự xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả sản xuất, kinh doanh báo cáo trước ngày 31/8/2010 để UBKT TW tiếp tục giám sát.

Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái trong lãnh đạo, chỉ đạo và xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến 15 vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm, UBKT TW kết luận Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã buông lỏng lãnh đạo, chưa chỉ đạo xử lý dứt điểm, triệt để các vụ việc nổi cộm, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chưa được xem xét, xử lý kịp thời, gây dư luận bất bình.

UBKT TW yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái kiểm điểm, chỉ đạo xử lý dứt điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân vi phạm, phục vụ tốt cho công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Kết quả kiểm tra Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh về quản lý, khai thác, kinh doanh than giai đoạn 2004-2008 cho thấy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn trên đã buông lỏng quản lý, không kịp thời đề ra các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lợi dụng khai thác tận thu, buôn lậu than với khối lượng lớn, làm thất thoát tài nguyên, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội và môi trường.

Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có những biện pháp khắc phục tích cực, đến nay tình hình có cải thiện nhưng vẫn chưa ổn định. UBKT TW yêu cầu Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2004-2008 và các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với các cơ quan giúp việc, Công an, Hải quan, doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan khác.

UBKT TW xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với 12 cá nhân, gồm: Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; các đồng chí: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Tổng Giám đốc; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng); các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Qua giải quyết thư tố cáo, ở mức độ khác nhau, đồng chí nào cũng có khuyết điểm, có đồng chí phải làm quy trình xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 3 cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Trà Vinh có liên quan đến việc giao cấp nhà, đất, kê khai tài sản; xem xét trách nhiệm đối với 4 cán bộ có liên quan đến dự án Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ủy ban kết luận các cán bộ trên đều có khuyết điểm về trách nhiệm hoặc vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý, thi hành kỷ luật.

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm