“Tổng nợ của Vinashin là hơn 80.000 tỷ đồng”
(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, tổng giá trị của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) là trên 90.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là hơn 80.000 tỷ đồng. Một phần trong số nợ này sẽ được chuyển sang các tập đoàn khác.
Tái cơ cấu Tập đoàn Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) là chủ đề “nóng” nhất tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ, chiều 2/7.
Chuyển 20.000 tỷ đồng nợ sang Dầu khí, Hàng hải
Trả lời câu hỏi về việc, Vinashin lâm vào tình trạng hiện nay có phải do Chính phủ quá “ưu ái” tập đoàn này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phạm Viết Muôn cho rằng, phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trong đó có cơ khí đóng tàu được coi là một trọng điểm nên có sự hỗ trợ cho ngành này, tuy nhiên không có sự ưu ái nào.
“Vinashin cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào khác đều phải hoạt động theo những quy định của pháp luật, phải sử dụng hiệu quả tiền vay của ngân hàng”, ông Muôn nhấn mạnh.
Lý giải về tình trạng hiện nay của tập đoàn này, ông Muôn cho rằng, bên cạnh nguyên nhân bên ngoài là khủng hoảng kinh tế, còn có nguyên nhân bên trong như đầu tư dàn trải, quản lý tài chính, công nợ còn nhiều yếu kém.
Sau khi tái cơ cấu, số nợ mà Cty mẹ Vinashin vay đầu tư sẽ chuyển sang cho các tập đoàn Dầu khí và Hàng hải. Tính “sơ sơ” khoản nợ chuyển này khoảng 20.000 tỷ đồng.
Với khoản nợ trái phiếu, Chính phủ vay về cho tập đoàn này vay lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Nguyễn Công Nghiệp cho biết, tới năm 2012 mới bắt đầu phải trả nợ và hiện tại Vinashin vẫn đang trả lãi bình thường.
Tuy khoản nợ của Vinashin lớn như trên, nhưng ông Phạm Viết Muôn cho rằng, tái cơ cấu tập đoàn này không phải nhằm mục tiêu giảm nợ mà nhằm: duy trì, phát triển công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu; sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã và đang đầu tư; không làm ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng; đảm bảo đời sống người lao động.
Về các dự án của Vinashin, bao gồm cả những dự án đã tương đối hoàn thiện, những dự án mới bắt đầu sẽ được chuyển cho các đơn vị khác. Chẳng hạn, các dự án đóng tàu chở dầu, làm dàn khoan… sẽ bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí.
Riêng hai đội tàu với trọng tải 1,2 triệu tấn sẽ được giao cho TCty Hàng hải (Vinalines). Theo ông Muôn, việc chuyển này sẽ tạo khó khăn cho Vinalines, nhưng nếu để lại Vinashin sẽ còn khó khăn hơn.
“Đội tàu chuyển sang ngành hàng hải sẽ chuyên ngành hơn, tốt hơn và các đồng chí Hàng hải cũng thấy trách nhiệm chung tay vào cùng các ngành, các cấp”, ông Muôn nói.
“Ai có sai phạm sẽ phải xử lý”
Về vấn đề trách nhiệm, ông Phạm Viết Muôn cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu tập thể Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc tập đoàn kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, ai có sai phạm sẽ phải xử lý.
Về bài học kinh nghiệm rút ra sau sự sa sút của Vinashin, ông Muôn cho rằng, “tin thì tin, nhưng phải kiểm tra”. Thực tế có những việc không phải nhỏ của tập đoàn này mà các Bộ, ngành không nắm được.
Chẳng hạn, tập đoàn mua tàu, nhưng Bộ Giao thông vận tải không biết, Thủ tướng không được báo cáo. Chỉ đến khi tàu về rồi các cơ quan chức năng mới biết. “Bài học đó chúng ta phải rút kinh nghiệm để tới đây thực hiện phân cấp phải có giám sát”, ông Muôn bày tỏ.
Xung quanh việc đã có những bài báo, những cảnh báo của các chuyên gia từ những năm 2005 - 2006 cho rằng, Việt Nam không nên đầu tư quá nhiều vào công nghiệp đóng tàu, ông Muôn lập luận, những năm 2005 - 2007 tập đoàn Vinashin phát triển khá tốt, bước sang năm 2008, kinh tế thế giới khủng hoảng nên dù có tới 166 hợp đồng đóng tàu, trị giá lên tới 5 - 6 tỷ USD, nhưng đối tác rút lại, trong khi tập đoàn đã đầu tư rồi.
Về việc lắng nghe ý kiến chuyên gia, ông Muôn khẳng định: “Kinh tế hội nhập, các cơ quan làm chiến lược, chính sách không chỉ tham khảo ý kiến các chuyên gia trong nước mà cả các chuyên gia nước ngoài và các tổ chức quốc tế”.
Cấn Cường