Vụ trâu húc vỡ gan người phụ nữ ở Hà Nội: Chủ trâu phải bồi thường thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Ngoài bồi thường các chi phí cho nạn nhân khi sức khỏe bị xâm phạm, chủ trâu phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần mà người đó phải gánh chịu là khoảng 74,5 triệu đồng.

Như đã đưa tin, chị Đ.T.T. (30 tuổi, quê Thái Bình, đang thuê trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là nạn nhân bị trâu húc vỡ gan trong một clip được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua. Sự việc xảy ra vào khoảng 8h40 ngày 19/1, tại đường đê tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh.

Sau khi nằm viện 20 ngày, bác sĩ cho chị T. về nhà điều trị ngoại trú và dặn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ít nhất 3 tháng để hồi phục sức khỏe.

Theo chị T., sau khi trở về nhà, chị có liên hệ với phía chủ trâu nhưng hiện 2 bên vẫn chưa thống nhất được mức đền bù thỏa đáng. Công an cũng đã hướng dẫn gia đình nếu không thỏa thuận được có thể khởi kiện ra tòa dân sự để giải quyết.

Vụ trâu húc vỡ gan người phụ nữ ở Hà Nội: Chủ trâu phải bồi thường thế nào? - 1

Khoảnh khắc trâu "điên" tấn công, húc người phụ nữ văng lên không trung.

Nhiều độc giả Dân trí băn khoăn về mức xử phạt với chủ trâu. Ngoài trách nhiệm dân sự, chủ sở hữu chú trâu có bị xem xét trách nhiệm hình sự không?

Trả lời thắc mắc trên, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị cho biết để xem xét trách nhiệm hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh sẽ phải thu thập chứng cứ đánh giá phân tích đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Theo đó cần tập trung làm rõ yếu tố lỗi của chủ trâu.

Về mức bồi thường, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định chi phí bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Trong đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức là khoảng 74,5 triệu đồng.

Vụ trâu húc vỡ gan người phụ nữ ở Hà Nội: Chủ trâu phải bồi thường thế nào? - 2

Hình ảnh chụp giấy ra viện của chị T. ghi rõ chẩn đoán "tổn thương các cơ quan trong ổ bụng, vỡ gan do chấn động" (Ảnh: NVCC).

Về xác định lỗi, nếu xác định người chủ này đã thực hiện đúng, đủ các biện pháp nuôi, nhốt, giam giữ vật nuôi nhưng vẫn xảy ra sự việc con trâu thoát ra ngoài gây thương tích cho người đi đường thì đây là sự kiện bất ngờ được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Theo đó: "Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự". Trường hợp này chủ trâu không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu chủ trâu có lỗi trong việc quản lý, giam giữ con trâu thì có thể xác định là có lỗi. Cộng với thực hiện giám định với bị hại để xác định tỷ lệ thương tích của người bị hại để có căn cứ xử lý về tội Vô ý gây thương tích (Điều 138) hoặc Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295) thuộc Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người .

Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

…..

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Luật sư Lực cho biết, trên thực tế sự việc trâu húc chết người, gây thương tích cho người khác đã từng xảy ra nhưng đến nay chưa có vụ việc nào bị xem xét xử lý hình sự.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm