Vụ hơn 600 học sinh nghi ngộ độc: Ai bồi thường, trách nhiệm thuộc về ai?
(Dân trí) - Sau vụ hơn 600 học sinh tại trường iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm, nhiều độc giả đặt dấu hỏi về cá nhân hoặc tập thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Ai là người phải bồi thường?
Trao đổi với TS. LS. Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật Chính Pháp được biết, trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có tổ chức, cá nhân có lỗi, gây thiệt hại đến tài sản, thu nhập, chi phí của các phụ huynh học sinh thì phải bồi thường toàn bộ. Nếu gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Cường, thiệt hại về tính mạng và sức khỏe của các học sinh là đã thấy rõ. Bởi vậy nếu xác định được lỗi gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của các học sinh thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm lộ rõ là lỗi cố ý hay lỗi vô ý?
Nếu là "lỗi cố ý" thì sẽ xử lý người cố ý đoạt mạng người khác về tội giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, giết từ 02 người trở lên và mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy nhiều học sinh bị thiệt hại về sức khỏe và có học sinh thiệt mạng là do "lỗi vô ý" của cá nhân cụ thể. Người có lỗi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người, vô ý gây thương tích hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp... hoặc tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo điều 317 bộ luật hình sự.
Về nguyên tắc, theo ông Cường, người nào có lỗi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó có trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Bởi vậy nếu xác định được nguyên nhân học sinh tử vong, nguyên nhân các học sinh nhập viện thì sẽ xác định được người đã có lỗi để sự việc xảy ra, người có lỗi này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 584. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này".
Bồi thường ra sao?
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được Điều 585 bộ luật dân sự quy định như sau: "Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình; Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra; Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình".
Điều 590. Bộ luật dân sự quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Luật sư Cường cho rằng, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và được quy định tại Điều 591 bộ luật dân sự, bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự (trong trường hợp nạn nhân được cứu chữa trước khi chết); Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Việc xác định thiệt hại sẽ căn cứ vào chi phí điều trị của các học sinh, tiền công người chăm sóc và thiệt hại tổn thất về tinh thần đối với từng trường hợp. Đối với thiệt hại về tính mạng của học sinh đã tử vong thì sẽ bao gồm chi phí mai táng theo phong tục địa phương và tiền tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm. Người nào có lỗi gây ra những thiệt hại về vật chất, tinh thần, về tính mạng, sức khỏe của các học sinh thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc là thiệt hại bao nhiêu sẽ bồi thường chừng đó và việc bồi thường phải kịp thời, nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo ông Cường, pháp luật cũng quy định một nguyên tắc là bồi thường trong phạm vi khả năng của người gây thiệt hại. Mặc dù, tính mạng sức khỏe con người là những thứ không gì đo đếm được, bao nhiêu tiền cũng không thể đánh đổi được tính mạng sức khỏe của các em học sinh.
Đặc biệt là các em học sinh học trong những ngôi trường quốc tế thì đều là con em của các gia đình có điều kiện, tiền bạc với họ không phải là vấn đề quan trọng.
"Vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ đặt ra đối với người có lỗi, có thể là đối với cơ quan, tổ chức có liên quan trong đó không loại trừ nhà trường cũng sẽ liên đới chịu trách nhiệm một phần khi để sự việc xảy ra trong bữa ăn bán trú của nhà trường.
Trước tiên nhà trường phải có trách nhiệm hỗ trợ cho gia đình học sinh tử vong và hỗ trợ một phần chi phí cứu chữa cho các học sinh, sau này xác định được nguyên nhân sự việc, xác định lỗi của các tổ chức cá nhân có liên quan thì tổ chức cá nhân có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", luật sư Cường khẳng định.