Ninh Bình:
Vụ tìm công lý 35m2 đất: Đau đáu nỗi lo mất nơi thờ tự liệt sĩ trước ngày 27/7
(Dân trí) - Hơn 30 năm sống, thờ tự những liệt sĩ trên thửa đất được nhà nước “đền ơn”, nay vợ liệt sĩ 95 tuổi dang đối mặt nguy cơ mất đất. Trước ngày lễ tri ân (27/7), chính quyền địa phương “ráo riết” lên phương án cưỡng chế đất của gia đình có công với Tổ quốc.
Gần đến ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), nỗi đau có người thân hy sinh trong kháng chiến của gia đình cụ Lê Thị Tứ, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) lại ùa về, cộng với nỗi lo mất đất, mất nhà thờ tự khiến cả gia đình như ngồi trên đống lửa.
Nỗi lo ấy có thể hiểu được vì cách đây hơn chục năm (2001), cũng trong tháng 7 tri ân này, mảnh đất của gia đình được nhà nước “đền ơn” chính thức bị chính quyền địa phương “hô biến” thành đất mượn. Qua 4 đời Chủ tịch xã, những người lãnh đạo viện nhiều lý do, không chịu cấp “sổ đỏ” cho thửa đất của vợ liệt sĩ, đồng thời ra nhiều quyết định thu hồi.
Vợ liệt sĩ, bà Lê Thị Tứ (95 tuổi) sau nhiều năm đi tìm công lý cho “mảnh đất xương máu”, cộng với tuổi cao sức yếu đã lâm bệnh nặng. Trước khi nằm liệt giường, bà căn dặn các con phải đấu tranh để giữ lại ngôi nhà thờ tự cho chồng, anh chồng đều là liệt sĩ và mẹ chồng - là Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) để bà thanh thản nhắm mắt xuôi tay.
Cả cuộc đời bà Tứ sống trong nỗi đau thương, mất mát khi người thân hy sinh trong kháng chiến. Bà góa bụa vượt qua gian truân, vất vả nuôi các con, cháu khôn lớn nên người, sống xứng đáng là gia đình có công với cách mạng.
Sau khi báo Dân trí phản ánh thông tin “gia đình liệt sĩ chục năm đi tìm công lý 35 m2 đất đền ơn” trong 2 bài viết trước, đến nay tỉnh Ninh Bình vẫn chưa có động thái chỉ đạo làm rõ “khuất tất” trong vụ việc.
Bên cạnh đó, đơn thư khiếu nại của bà Phạm Thị Hiềng (con gái bà Tứ) gửi đến các cơ quan chức năng huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Nhiều tháng nay, bà Hiềng (được cụ Tứ ủy quyền) thường xuyên đi về giữa Quảng Ninh (nơi bà cư trú) - Ninh Bình để lo công việc. Cứ đến ngày tiếp dân của UBND huyện Yên Khánh, UBND tỉnh Ninh Bình bà lại có mặt mong muốn gặp lãnh đạo nhưng bất thành. Hoặc lãnh đạo tỉnh, huyện không có thẩm quyền giải quyết tiếp bà, hoặc bà ra về tay trắng vì không có câu trả lời thỏa đáng.
Việc tranh chấp đất giữa gia đình liệt sĩ Hằng và UBND xã Khánh Nhạc càng căng thẳng hơn khi UBND huyện Yên Khánh đang lên phương án cưỡng chế thửa đất 35 m2 này.
“Nhiều năm qua, huyện Yên Khánh vẫn dựa vào một quyết định cũ, không đúng thực tế để quyết định thu hồi đất của gia đình tôi. Dù gia đình có khiếu nại, yêu cầu xem xét lại hoặc đưa ra bằng chứng chứng minh là đất gia đình mượn của UBND xã nhưng nhiều đời lãnh đạo vẫn không có câu trả lời. Lãnh đạo xã, huyện giải quyết việc của gia đình tôi như vậy là quá tắc trách, trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo thủ, thấy sai không sửa”, bà Hiềng bức xúc.
Mới đây (13/7), bà Phạm Thị Hiềng đã đến Phòng tiếp công dân của UBND tỉnh với mong muốn gặp được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, thêm một lần nữa bà Hiềng lại phải ra về bởi người tiếp dân không phải Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh mà là một Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh.
Sau buổi tiếp công dân, gặp PV Dân trí bà Hiềng buồn rầu: “Cả cuộc đời mẹ tôi sống trong đau thương, mất mát. Mảnh đất được nhà nước “đền ơn” bị chính quyền biến thành ‘đất mượn” nên hơn chục năm qua mẹ tôi luôn đứng lên đấu tranh bảo vệ. Lúc nào bà cũng canh cánh nỗi lo bị chính quyền thu hồi đất, lấy chỗ nào mà thờ tự chồng, anh chồng và cả mẹ chồng là mẹ VNAH nữa”.
Theo “Mặt bằng quy hoạch chợ Khánh Nhạc” mà bà Hiềng cung cấp cho PV Dân trí, thửa đất 35 m2 của gia đình bà sau khi thu hồi sẽ được bàn giao cho Ban Quản lý chợ Nhạc xây các ki-ốt bán hàng bách hóa, sau đó cho người dân thuê lại.
“Việc xã tự ý biến đất của gia đình tôi thành đất mượn mà không đưa ra được bằng chứng nào, không đồng ý việc xin cấp sổ đỏ cho gia đình tôi, đồng thời ra quyết định thu hồi đất bàn giao cho đơn vị xây dựng chợ làm ki-ốt cho thuê là trái với chủ trương, chính sách, không đúng với Luật đất đai. Huyện, tỉnh không giải quyết, gia đình tôi sẽ khiếu nại ra đến trung ương, cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường”, bà Hiềng cương quyết.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trọng Mỳ, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Khánh cho rằng đất của gia đình bà Tứ là “đất mượn” của UBND xã, huyện đang lên phương án “cưỡng chế”.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra huyện Yên Khánh cũng dựa theo Quyết định 03 (năm 2006 của UBND huyện Yên Khánh) khẳng định, đất của gia đình bà Tứ là đất mượn.
Ông Hùng phủ nhận hoàn toàn những chứng cứ mà gia đình bà Tứ đưa ra, trong đó có tờ “Giấy mời” (năm 1981 của UBND xã Khánh Nhạc về việc đồng ý quy đổi đất cho gia đình bà Tứ) và những nhân chứng sống là các Ủy viên ủy ban xã Khánh Nhạc thời kỳ những năm 1980.
Người đại diện huyện Yên Khánh không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh cụ Lê Thị Tứ mượn đất của xã Khánh Nhạc khi phóng viên có yêu cầu.
“Lãnh đạo xã Khánh Nhạc, lãnh đạo huyện Yên Khánh biết sai nhưng không dám sửa hoặc có khuất tất trong vụ việc này”, bà Hiếng nói.
Ngày 27/7 gần tới, việc cụ Lê Thị Tứ có được giữ lại nơi thờ tự và thanh thản thắp nén nhang tri ân cho các liệt sĩ, Mẹ VNAH hay không còn dựa vào chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh Ninh Bình.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.
Thái Bá