Vụ gia đình liệt sỹ tìm công lý 35m2 đất: Lên phương án cưỡng chế đất "đền ơn"!
(Dân trí) - Người dân, cán bộ những năm 1980 xã Khánh Nhạc đều thừa nhận việc chính quyền đồng ý đổi và cấp đất mới bên QL10 cho gia đình liệt sỹ Phạm Hữu Hằng là có, tuy nhiên lãnh đạo địa phương từ xã đến huyện đều khẳng định, đất của gia đình là “mượn”, sẽ cưỡng chế thu hồi.
Liên quan đến vụ việc “Gia đình liệt sỹ chục năm tìm công lý 35m2 đất” mà báo Dân trí đã phản ánh, đến nay huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình vẫn chưa có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý theo đơn khiếu nại của gia đình liệt sỹ Phạm Hữu Hằng. Cán bộ huyện còn cho biết, đang lên phương án cưỡng chế 35m2 đất “đền ơn” này.
Người dân nói có!
Ngoài tờ giấy mời của UBND xã Khánh Nhạc gửi cho gia đình cụ Lê Thị Tứ vào năm 1981 (về việc đến “trụ sở UBND xã làm thủ tục” vì “UBND xã đã xét duyệt cho bà làm nhà ở, miếng đất chuyển đổi bên QL10, đang làm quán bán nước”) mà gia đình hiện đang còn lưu giữ, bà Phạm Thị Hiềng còn cho biết, đa số lãnh đạo, cán bộ làm việc tại UBND xã Khánh Nhạc thời kỳ năm 1981 đều xác nhận sự việc chính quyền xã đổi đất từ ao Quận Tào, cấp đất bên QL10 cho gia đình bà là có thật.
Theo đó, diện tích đất bên QL10 của gia đình được địa phương cấp cho cùng thời điểm với một số gia đình chính sách khác trong xã. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà các hộ dân khác được cấp “sổ đỏ” từ lâu, còn gia đình cụ Tứ bị “ngâm” hồ sơ hơn 20 năm qua.
Ông Phạm Đức Nhẫn (SN 1946) nguyên là Xã Đội trưởng xã Khánh Nhạc năm 1980 – 1981 cho hay, mảnh đất của cụ Lê Thị Tứ được chuyển đổi từ ao Quận Tào ra trục đường 10 (Quốc lộ 10 - PV) bán nước, sau này được UBND xã duyệt cấp đất, cho xây nhà như các gia đình liệt sỹ, thương binh khác (đã được cấp sổ đỏ).
Cũng theo ông Nhẫn, nguyên nhân sâu xa của việc gia đình cụ Tứ được UBND xã Khánh Nhạc đồng ý đổi 1.800m2 đất ao thành diện tích đất bên QL10 là theo nguyện vọng của gia đình. “Trước năm 1980 tôi làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã, thấy gia đình cụ Tứ neo người, 5 xào ao Quận Tào được “đền ơn” bỏ không thì phí nên tôi đề xuất gia đình làm đơn đổi đất ao ra đường 10 làm quán buôn bán. Khi gia đình làm đơn đã được xã xét duyệt, đến năm 1981 thì mời ra trụ sở làm thủ tục, cho làm nhà ở trên miếng đất chuyển đổi bên QL10”, ông Nhẫn nói.
Ông Nguyễn Văn Hải - nguyên Ủy viên Uỷ ban, phụ trách xây dựng, ruộng đất xã Khánh Nhạc năm 1981 đồng tình với ý kiến trên của ông Nhẫn và cho biết thêm, một số gia đình chính sách được UBND xã Khánh Nhạc cấp đất “đền ơn” bên QL10 chính tay ông là người đo đạc và “cắt” đất cho từng hộ. Ngoài gia đình cụ Lê Thị Tứ (vợ liệt sỹ Phạm Hữu Hằng) còn có ông Lê Hòa (con liệt sỹ), ông Nguyễn Thi (thương binh), ông Quý (thương binh)…
Ông Phạm Xuân Trường (SN 1957) từng làm quản lý chợ Nhạc nhiều năm cho biết, khi ông được phân công làm quản lý chợ Nhạc (từ những năm 80 của thế kỷ trước) đã thấy gia đình cụ Tứ ở trên mảnh đất được xã cấp để bán hàng. “Không hiểu vì lý do gì mà các gia đình chính sách được xã cấp đất cùng đợt với gia đình cụ Tứ đã được cấp “sổ đỏ” còn gia đình cụ đến nay vẫn chưa có”, ông Trường nói.
Chính quyền bảo không
Ngày 8/8/2006 ông Đỗ Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh ký Quyết định số 03/QĐ-GQKN về việc “Giải quyết đơn đề nghị của bà Lê Thị Tứ, xóm 3, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh.
Quyết định bác toàn bộ nội dung đơn đề nghị xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ Lê Thị Tứ vì: “Không có đủ căn cứ, điều kiện cấp GCNQSDĐ theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP” ?
Lý do chính quyền địa phương không cấp “sổ đỏ” cho thửa đất của cụ Tứ được nêu rõ: “Căn cứ vào bản đồ, sổ mục kê của xã Khánh Nhạc đo vẽ năm 1984 (theo Quyết định 201/CP ngày 1/7/1980) tại tờ bản đồ số 4, thửa 584 diện tích là 200m2 đất hoang do UBND xã Khánh Nhạc quản lý.
Tại bản đồ địa chính xã Khánh Nhạc đo đạc năm 1995 tỷ lệ 1:1000 quán bán hàng của bà Tứ trên diện tích đất hiện tại thuộc tờ bản đồ số 22 thửa 161 diện tích là 35m2 chủ sử dụng là UBND xã Khánh Nhạc.
Căn cứ vào quy hoạch xây dựng chợ của UBND xã Khánh Nhạc và quyết định 774/QĐ-UB ngày 27/5/1996 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc cắm mốc giới và mốc giới giải tỏa giai đoạn 1 các tuyến đường bộ trong tỉnh, thửa đất bà Tứ đề nghị cấp GCNQSDĐ hiện nằm trong hành lang đường giao thông và quy hoạch xây dựng chợ của xã Khánh Nhạc”.
Ngoài ra, trong Quyết định 03 còn đề cập đến việc người ký “Giấy mời” mà gia đình cụ Tứ lưu giữ từ năm 1981 đến nay là ông Trần Cường. Quyết định này căn cứ vào báo cáo của UBND xã Khánh Nhạc nêu rõ: “Việc ông Trần Cường ký giấy mời cho gia đình bà Tứ tháng 3/1981 là không đúng vì đến ngày 18/11/1981 ông Trần Cường mới được HĐND xã Khánh Nhạc bầu giữ chức danh ủy viên ủy ban”.
Bà Phạm Thị Hiềng bức xúc, trong nhiều lần tiếp xúc với gia đình, chính quyền xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh không đưa ra bằng chứng, cũng như bản đồ gốc chứng minh thửa đất “đền ơn” mà gia đình bà đang sở hữu là đất do UBND xã Khánh Nhạc quản lý.
Về việc thửa đất nằm trong hành lang đường giao thông QL10, gia đình đã xây dựng nhà bán quán lùi vào theo đúng quy định. “Quy hoạch xây dựng chợ Nhạc chưa hề đến phần đất của gia đình tôi. Thửa đất đủ diện tích, sử dụng ổn định trước năm 1993, theo Luật đất đai thì gia đình tôi phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Xã ra quyết định thu hồi đất của gia đình chính sách bàn giao cho ban quản lý chợ là bất hợp lý”, bà Hiềng nói.
Việc UBND xã Khánh Nhạc cho rằng, năm 1981 ông Trần Cường chưa được bầu làm ủy viên Ủy ban, ông Nguyễn Văn Hải nguyên ủy viên Ủy ban xã Khánh Nhạc năm 1981 khẳng định: “Năm đó, xã Khánh Nhạc có 7 ủy viên Ủy ban, ông Trần Cường là ủy viên Ủy ban phụ trách Thư ký. Ông Trần Cường ký giấy mời gia đình bà Tứ là hoàn toàn đúng theo chức năng nhiệm vụ”.
Xây dựng phương án cưỡng chế đất “đền ơn”
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh Thanh tra huyện Yên Khánh cho rằng, việc gia đình bà Tứ khiếu nại, đòi quyền lợi thửa đất bên QL10 là không đúng vì đó là đất gia đình mượn của UBND xã Khánh Nhạc.
Ông Hùng nêu rõ, quan điểm giải quyết vụ việc của huyện Yên Khánh vẫn giữ nguyên theo Quyết định số 03 năm 2006. “Gia đình bà Tứ cho rằng đất này là đất đổi từ ao Quận Tào là không đúng; Gia đình bà đề nghị cấp sổ đỏ cho thửa đất bên QL10 là không đủ điều kiện vì đất nằm trong lưu không đường và quy hoạch chợ, không thuộc khu dân cư, không đảm bảo diện tích tối thiểu”, ông Hùng nói.
Ông Chánh Thanh tra huyện Yên Khánh cũng phủ nhận việc ông Trần Cường ký giấy mời gia đình bà Tứ năm 1981 vì chưa là ủy viên Ủy ban xã Khánh Nhạc.
“UBND xã Khánh Nhạc đã thực hiện nghiêm Luật đất đai, vì sự việc liên quan đến gia đình chính sách nên phải giữ vững ổn định chính trị. Hiện nay huyện đang xây dựng phương án cưỡng chế thửa đất gửi lên tỉnh, địa phương đã làm hết tình với gia đình bà Tứ”, ông Hùng nêu rõ.
Khi Phóng viên xin được tiếp cận “bản cam kết” của bà Lê Thị Tứ với chính quyền xã Khánh Nhạc vào năm 2001 như lời ông Nguyễn Văn Hùng nói, để chứng minh cho việc cụ Tứ “xin sửa lại mái nhà cho đỡ mưa nắng, khi nào tập thể cần sử dụng hoặc bà qua đời sẽ trả lại đất cho tập thể quản lý và sử dụng” (Quyết định 03/QĐ-GQKN ngày 8/8/2006 của UBND huyện Yên Khánh), nhưng ông này từ chối cung cấp vào cho hay, khi nào gia đình cụ Tứ có ý kiến mới cung cấp.
Phóng viên tiếp tục đề nghị xin được tiếp cận các tờ bản đồ có liên quan đến thửa đất, ông Chánh Thanh tra huyện Yên Khánh thẳng thừng từ chối vì không phải thầm quyền ông được giao trả lời. Ông này cũng đề nghị phóng viên liên hệ với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện sẽ được cung cấp đầy đủ theo yêu cầu.
Thái Bá