Vụ thiếu niên tự kỷ bị đánh: Nạn nhân vẫn chưa được giám định thương tích!
(Dân trí) - Sau khi con trai mắc bệnh tự kỷ bị một nhóm người hành hung, bà Dung đã gửi đơn lên công an quận Ba Đình. Tuy nhiên đã hết thời hạn xác minh tin báo mà nạn nhân vẫn chưa được giám định thương tích.
Như Dân trí đã thông tin, Bà Bùi Thị Kim Dung (76 Ngọc Khánh, Hà Nội) đã gửi đơn lên công an quận Ba Đình trình báo về việc con trai tự kỷ bị đánh hội đồng trước cửa nhà. Thế nhưng, hơn một tháng qua, cơ quan điều tra vẫn chưa có động thái xử lý vụ việc khiến chị cảm thấy vô cùng bức xúc.
Bên cạnh đó, bà Dung còn lo lắng việc, đến thời điểm này con trai bà chưa được đưa đi giám định thương tích, thì liệu kết quả điều tra có bị ảnh hưởng không vì hiện các vết thương ở phần mềm, vết khâu cũng đã lành dần và đến thời hạn đi tháo chỉ?
Về lo lắng này của bà Dung, TS. LS. Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật thì thời hạn xác minh tin báo là 20 ngày, vụ việc phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá hai tháng. Trong thời gian này, đối với những vụ việc cố ý gây thương tích thì cơ quan điều tra sẽ làm các thủ tục để đưa nạn nhân đi giám định thương tích theo quy định pháp luật. Mục đích để xem xét hậu quả làm căn cứ xác định tính chất của vụ việc để xem xét vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không.
Thông thường thời điểm giám định thương tích là thời điểm nạn nhân đã được điều trị ổn định. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải cứu chữa nạn nhân. Trường hợp nạn nhân đang trong cơn nguy kịch thì việc cứu sống nạn nhân là nhiệm vụ quan trọng nhất.
"Sau khi nạn nhân đã ổn định sức khỏe, căn cứ vào hồ sơ bệnh án và những thương tích để lại trên cơ thể nạn nhân, cơ quan điều tra sẽ có quyết định trưng cầu giám định pháp y để xác định tỷ lệ thương tích làm căn cứ xác định hành vi và hậu quả do hành vi gây ra; đồng thời xác định yếu tố lỗi làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật", luật sư Cường nói.
Luật sư Cường phân tích, thương tích thì có thể chia làm hai loại là thương tích tạm thời và thương tích vĩnh viễn. Thương tích tạm thời thì sẽ bình phục qua thời gian. Bởi vậy, trường hợp để lâu mới giám định thì những vết thương ở phần mềm có thể sẽ ổn định và đã phục hồi. Song, việc giám định thương tích cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, nhiều thông tin và theo trình tự thủ tục luật định.
Thế nhưng nếu thời gian kéo dài mà cơ quan điều tra vẫn chưa tiến hành thủ tục trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân thì nạn nhân, người giám hộ hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có quyền có yêu cầu sớm trưng cầu giám định. Nếu thấy có biểu hiện chậm trễ, không khách quan, có thể ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ việc thì phía người bị hại có quyền khiếu nại hoặc tố cáo đối với cơ quan đang thụ lý theo quy định của pháp luật để được giải quyết theo quy định về tố tụng hình sự và tố cáo.
"Pháp luật hiện hành không quy định là trong thời gian bao lâu cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân. Nhưng theo quy trình thì sau khi nạn nhân được điều trị, ổn định, có hồ sơ bệnh án, xác định được những vết thương tích và có kết quả cứu chữa ban đầu thì cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định thương tích", luật sư Cường khẳng định.
Đáng chú ý theo luật sư Cường, nếu hết thời hạn xác minh tin báo mà cơ quan điều tra vẫn chưa tiến hành thủ tục trưng cầu giám định thương tích thì đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cán bộ điều tra và kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án trong trường hợp này là thiếu trách nhiệm, sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và trách nhiệm pháp lý nếu như làm sai lệch hồ sơ vụ việc. Trường hợp vụ việc vẫn đang trong thời hạn xác minh, việc điều trị cứu chữa cho nạn nhân là quan trọng hơn thì cơ quan điều tra có thể sẽ chưa tổ chức giám định thương tích