TP.HCM:
Vụ thi hành án kiểu “kì lạ”: Phớt lờ hàng loạt chỉ đạo, “hành” doanh nghiệp khốn khổ!
(Dân trí) - Dù đã có hàng loạt chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ ngành và chỉ đạo từ UBND TP HCM nhưng chấp hành viên Cục THADS thành phố đã “phớt lờ”, bỏ qua để “hành” doanh nghiệp khốn đốn.
Liên quan việc cưỡng chế đối với bên thuê nhà xưởng là Cty TNHH Đông Nam Viêt Nam (DN 100% vốn nước ngoài với gần 500 công nhân ở Xuân Thới Đông, Hóc Môn) nhằm phục vụ thi hành án đối với DN khác, ngày 31/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND TPHCM mời Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) tham gia kiểm tra, xem xét sự việc liên quan việc thi hành án của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM.
Đến ngày 8/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm cũng có văn số 4939/UBND - NCPC bản khẩn giao các cơ quan liên quan tạm dừng thi hành các chỉ đạo của thành phố; dừng các quyết định triển khai thi hành án có liên quan Cty TNHH Đông Nam VN. Tuy nhiên, phớt lờ các chỉ đạo trên, ngày 9/9, chấp hành viên Cục THADS thành phố là ông Hồ Quân Chính tiếp tục có văn bản gửi xã Xuân Thới Đông đề nghị phối hợp cưỡng chế.
Thậm chí, ngày 12/9, chấp hành viên này còn đề nghị một Cty dịch vụ bảo vệ phối hợp không cho bất cứ người nào vào nhà xưởng Cty Đông Nam. Liên tục trong các ngày 7, 8 và 9/9 chấp hành viên đã cho những người không có nhiệm vụ đến cản trở tại cổng DN, không cho xe container vào bốc xếp hàng.
Đại diện Cty Đông Nam VN, ông Cao Minh Phụng, Quản đốc xưởng SX bức xúc cho biết, DN đã thuê nhà xưởng này của Cty CP Trung Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định 10 năm nay. Hợp đồng thuê nhà xưởng đã được chứng thực theo đúng qui định và còn thời hạn đến năm 2020. Những ngày qua DN đã bị tổn thất khoảng 1 tỷ đồng mỗi ngày do bị cắt điện và bị cán bộ thi hành án cho người xuống cản trở sản xuất.
Điều đáng nói hơn là gần 500 công nhân hoang mang khi DN không hề nợ nần công nhân, thì chấp hành viên vẫn đưa cán bộ Liên đoàn Lao động huyện xuống yêu cầu Cty phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động. Cũng theo ông Phụng, tuy chỉ là DN bị vạ lây, nhưng chủ DN liên tục bị chấp hành viên gọi lên yêu cầu phải ký vào đơn tự nguyện di dời, nếu không sẽ phải nộp 380 triệu tiền chi phí cưỡng chế di dời!
Mấy năm gần đây, Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam liên tiếp gửi đơn khiếu nại Cục Thi hành án dân sự TP. HCM yêu cầu doanh nghiệp phải bàn giao tài sản trái pháp luật nhưng không được xem xét giải quyết theo luật định.
Về việc này, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TP HCM giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam, nhưng ngày 23/6/2015 Cục THADS TP HCM lại ban hành Công văn báo cáo về việc không giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp với lý do đơn nhân danh tập thể là chưa phù hợp với quy định.
Tiếp đến, Viện KSND Tối cao đã rút toàn bộ hồ sơ gốc để kiểm sát theo thẩm quyền và yêu cầu Cục Thi hành án dân sự thành phố dừng các hoạt động thi hành án liên quan đến Công ty Đông Nam Việt Nam để chờ kết quả kiểm sát. Kết quả báo cáo của VKSND Tối cao nêu rõ: “Việc nhận thức của Chấp hành viên đối với quy định của pháp luật còn hạn chế, dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác, không đúng nguyên tắc pháp chế. Trong việc này, Chấp hành viên nhận thức chưa đầy đủ quy định của pháp luật về thi hành án và các quy định có liên quan như Thông tư 12/2001, Nghị định 164/2004, Thông tư 14/2010…”.
Trước đó, vào năm 1995, Công ty TNHH Trung Nam I (Cty Trung Nam I) đã nhận chuyển nhượng hơn 4.700m2 đất tại xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) từ ông Nguyên Văn Én (người địa phương). Tháng 11/1996, Cty Trung Nam I được Sở địa chính thành phố ký hợp đồng cho thuê đất với thời hạn 30 năm, tiền thuê đất đã được thanh toán đầy đủ. Một tháng sau, Cty Trung Nam I được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) .
Ngày 31/12/2004, Cty Trung Nam I ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất trên cho Công ty Cổ phần Trung Nam (viết tắt Cty Trung Nam). Công ty Trung Nam đã đầu tư xây dưng khu nhà xưởng và đến năm 2006 ký hợp đồng cho Cty Đông Nam Việt Nam thuê thời hạn 13 năm với giá 6.000USD/tháng. Quá trình chuyển nhượng và cho thuê đất đều được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Tư pháp, UBND huyện Hóc Môn có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
Sau khi thuê được mặt bằng, Cty Đông Nam Việt Nam mở xưởng sản xuất với hơn 500 công nhân làm việc.
Mọi uẩn khúc bắt đầu phát sinh khi Cty Trung Nam I phải thi hành bản án số 42/KTPT ngày 06/9/2001 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao và Bản án số 976/DSST ngày 18/06/2003 của TAND TP.HCM. Trong các bản án này đều xác định rõ bên phải thi hành án là Cty Trung Nam I (không phải Cty CP Trung Nam - PV) nhưng Cục thi hành án dân sự TP. HCM vẫn kê biên tài sản là mảnh đất hơn 4.700m2 mà Cty Trung Nam đã cho Cty Đông Nam Việt Nam thuê theo đúng quy định của pháp luật từ hơn 3 năm trước.
Hiện dư luận không khỏi “băn khoăn” đặt câu hỏi, tại sao, chấp hành viên lại phớt lờ chỉ đạo của cấp trên, cố “ép” DN như vậy? luật có quy định chấp hành viên được thuê công ty vệ sĩ bên ngoài?
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên