TP.HCM:

Vụ thi hành án kiểu “kì lạ”: Nhiều dấu hiệu sai phạm bị "lãng quên"?

(Dân trí) - Nhiều cơ quan ở Trung ương chỉ rõ những vi phạm pháp luật của cơ quan thi hành án trong việc kê bên, bán đấu giá quyền sử dụng đất và nhà xưởng đối với Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Vụ thi hành án kiểu “kì lạ”: Nhiều dấu hiệu sai phạm bị "lãng quên"? - 1

Nhà xưởng trên diện tích đất hơn 4.700m2 được Cty Đông Nam Việt Nam thuê hợp pháp những vẫn bị kê biên cưỡng chế, dồn vào đường cùng.

Như Dân trí phản ánh về vụ thi hành án kiểu “kì lạ” trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng hơn 4.700 m2 đất và quyền sở hữu nhà xưởng tại số 7/6 ấp Xuân Thới Đông I, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn liên quan đến Công ty cổ phần Trung Nam (Chủ đất) và Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam (bên thuê nhà xưởng) của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh (THADS TP.HCM) mặc dù đã được rất nhiều các cơ quan ở Trung ương chỉ rõ những vi phạm pháp luật của cơ quan thi hành án trong việc kê bên, bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) và nhà xưởng nhưng đến nay sự việc vẫn "giậm chân tại chỗ".

Cụ thể, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ; Bộ Tài nguyên Môi trường, đặc biệt là Viện KSND Tối cao cũng có báo cáo, kết luận sau khi rút hồ sơ gốc lên để kiểm sát theo thẩm quyền, chỉ rõ những sai phạm của chấp hành viên Cục THADS TP.HCM, trong đó nêu rõ: “Trong vụ việc này, cơ quan thi hành án dân sự vừa quyết định kê biên tài sản là quyền sử dụng đất (trong khi người bị kê biên là Công ty Trung Nam I không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái với quy định của Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ".

"Việc nhận thức của Chấp hành viên đối với quy định của pháp luật còn hạn chế, dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác, không đúng nguyên tắc pháp chế. Với những vi phạm nêu trên, về nguyên tắc thì việc kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất trong vụ việc này phải bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật”, kết luận sau khi rút hồ sơ gốc lên để kiểm sát theo thẩm quyền của Viện KSND Tối cao thể hiện.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp trong Báo cáo số 305/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ đã không hề đề cập đến hàng loạt dấu hiệu sai phạm của Chấp hành viên và Cơ quan thi hành án dân sự mà Viện KSND Tối cao đã phân tích và chỉ rõ cũng như những ý kiến của các cơ quan liên quan như: Ủy Ban Tư pháp Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngay khi Bộ Tư pháp có báo cáo trên, Viện KSND Tối tiếp tục nêu rõ quan điểm: “Mặc dù báo cáo của Bộ Tư pháp đã nêu lại diễn biến chính của quá trình thi hành án và quá trình giải quyết khiếu nại của Công ty Đông Nam Việt Nam nhưng nội dung của Báo cáo này chỉ phản ánh tóm tắt mà không phản ánh đầy đủ diễn biến chính của quá trình thi hành án, do vậy chưa thấy được những vi phạm của chấp hành viên trong quá trình thi hành án, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài".

Vụ thi hành án kiểu “kì lạ”: Nhiều dấu hiệu sai phạm bị "lãng quên"? - 2

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến về việc Công ty Cổ phần Trung Nam.
Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến về việc Công ty Cổ phần Trung Nam.

Đánh giá nguyên nhân của việc thi hành án bị khiếu nại phức tạp và kéo dài, Viện KSND Tối cao khẳng định do lỗi chủ quan là cơ bản, chấp hành viên không tiến hành xác minh đầy đủ, toàn diện, chính xác tài sản của người phải thi hành án, dẫn đến việc kê biên tài sản ban đầu không chính xác, để xử lý kéo dài, khi không thể xử lý được nữa mới tiến hành xác minh và kê biên tài sản khác nhưng khi đó tài sản đã được chuyển nhượng hợp pháp cho người khác. Chấp hành viên tiếp tục kên biên, nhưng khi chưa có xử lý của cơ quan có thẩm quyền (Tòa án - PV) đối với giao dịch chuyển nhượng đó thì đã tổ chức định giá, bán đấu giá, làm thay công việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không cho bên thứ ba đang thuê tài sản được tiếp tục thuê tài sản theo hợp đồng, dẫn đến làm phức tạp thêm tình hình, khiếu kiện kéo dài.

Mặc dù hiện nay vụ việc đã có kết luận chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm của cơ quan thi hành án dân sự, tuy nhiên cơ quan quản lý (Bộ Tư pháp) vẫn có những quan điểm khác nhau trong đánh giá, kết luận việc áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành án. Đến nay vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, những sai phạm của cơ quan thi hành án chưa bị xử lý theo qui định của pháp luật dẫn đến doanh nghiệp tiếp tục có đơn khiếu nại kéo dài.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam, trong văn bản nêu rõ: "Nếu Bộ Tư pháp có ý kiến khác thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Trong trường hợp Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội có quyết định giám sát thì Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo yêu cầu giám sát đúng quy định của pháp luật, kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ".

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!

Trung Kiên